Ngân hàng khép cửa vay tiêu dùng cuối năm

Lãi suất vay tiêu dùng tới 25%/năm nhưng vẫn khó vay (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh
Lãi suất vay tiêu dùng tới 25%/năm nhưng vẫn khó vay (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Vì nhiều lý do khác nhau, gần đây nhiều ngân hàng khép cửa cho vay tiêu dùng.

> Quốc hội yêu cầu khởi động mạnh tái cơ cấu kinh tế
> Tái cấu trúc ngân hàng: Phải bảo vệ tiền gửi của dân

Lãi suất vay tiêu dùng tới 25%/năm nhưng vẫn khó vay (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh
Lãi suất vay tiêu dùng tới 25%/năm nhưng vẫn khó vay
(ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Khép cửa

Cuối tháng 10 vừa qua, thiếu một khoản tiền khoảng 400 triệu đồng cho khâu hoàn thiện nội thất căn nhà mới xây, anh Hùng, nhân viên chuyên viết phần mềm tại một công ty máy tính quyết định vay ngân hàng.

Với mức lương cứng 20 triệu đồng/tháng, anh Hùng thực sự ngạc nhiên khi các ngân hàng ngoại HSBC và ANZ trước đây mời gọi anh vay tín chấp, thì nay đều từ chối. Hỏi ra, nhân viên các ngân hàng này cho biết do ngân hàng đang siết chặt hơn thủ tục tín chấp cho vay tiêu dùng.

Là người chưa vay ngân hàng lần nào, anh Hùng phải nhờ người quen hỏi hộ. Nghe trình bày, vị giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại lớn cũng lắc đầu, vì bên ông hiện cũng hạn chế cho vay tiêu dùng. Nài nỉ mãi, cuối cùng, anh cũng vay được số tiền trên với lãi suất 22%/năm, sau khi đón cán bộ ngân hàng tới tận nhà, đồng thời phải làm thủ tục thế chấp luôn ngôi nhà đang hoàn thiện.

Ngược lại, cần vay 500 triệu đồng để trả nợ người thân do trót vay đầu tư đất, những ngày này chị Nga đang phải chạy đôn đáo khắp nơi. Dù có tài sản thế chấp là ngôi nhà tại phố Kim Mã (Hà Nội) với giá trị lên tới 6 tỷ đồng nhưng ngay khi chị đề cập vay, đến cả nhân viên ngân hàng lớn như Vietcombank cũng từ chối thẳng.

“Bản thân tôi cũng chưa biết tìm ra lý do nào khác để vay. Có người mách phải lách bằng cách đề nghị vay vốn kinh doanh như mở cửa hàng. Tôi cũng đã thử nhưng thấy thủ tục rắc rối lắm. Nhân viên ngân hàng đòi phải có hợp đồng thuê cửa hàng, rồi phải có phương án, hồ sơ kinh doanh. Chưa bao giờ tôi thấy đi vay tiêu dùng khó vậy”- chị Nga than thở.

Nói về hạn chế cho vay tiêu dùng, ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc NHTMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) cho biết, tỷ lệ cho vay phi sản xuất của Eximbank đã thấp hơn quy định của NHNN. Nhưng đến cuối năm khi tăng trưởng tín dụng đạt mức dưới 20%, thì dư nợ cho vay phi sản xuất nếu tính theo con số tuyệt đối cũng có thể tăng lên chút ít chứ không nhiều.

“Eximbank rất hạn chế cho vay tiêu dùng, nếu không muốn nói là chấm dứt. Hơn nữa với mức lãi suất cho vay tiêu dùng tới 25%/năm cao như hiện nay thì khách hàng bất đắc dĩ, khẩn cấp lắm mới dám vay” - ông Phước nói.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện tại, chỉ còn các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, nhưng hạn mức vay chỉ vài chục triệu đồng, với lãi suất lên tới 25%/năm. Tại sao cả những ngân hàng thanh khoản tốt cũng hẹp cửa vay tiêu dùng? Lý do được nhiều cán bộ ngân hàng cho biết, nếu còn nguồn tiền lúc này khôn ngoan hơn cả là dồn cho vay trên thị trường liên ngân hàng, lợi nhuận cao, lại thu hồi vốn nhanh.

Ngại cho vay vì lo nợ xấu

Theo trưởng phòng một phòng giao dịch của BIDV, đã 4 tháng nay bên ông không ký một hợp đồng cho vay tiêu dùng nào cả. “Định mức trên giao chúng tôi phải huy động 260 tỷ đồng trong năm 2011, trong khi hạn mức cho vay có 50 tỷ đồng. Như thế, làm gì còn nguồn mà cho vay”- Ông này nói.

Giám đốc một chi nhánh của ngân hàng ANZ cũng chia sẻ: “Bên này vẫn cho vay nhưng cũng rất hạn chế và chỉ chấp nhận khách có tài sản thế chấp. Lãi suất cộng cả phí cũng lên tới gần 26%/năm”.

Trao đổi với Tiền Phong, giám đốc khối khách hàng cá nhân NHTM nơi đã từ chối đề nghị vay vốn của chị Nga thừa nhận: Lúc này, dù khách hàng có chấp nhận vay lãi suất cao và tài sản thế chấp giá trị đến mấy, ngân hàng cũng khó cho vay.

“Van tín dụng sắp khoá. Ngày 9-11 các ngân hàng phải báo cáo tình hình cho vay bất động sản với NHNN. Điều này đã tạo cho chúng tôi sức ép rất lớn. Mục tiêu của ngân hàng từ nay đến cuối năm không phải là nới lỏng tín dụng để chạy đua chỉ tiêu lợi nhuận mà phải đẩy mạnh thu hồi nợ cũ”- Ông khẳng định.

Theo một số chuyên gia, thời điểm lãi suất liên ngân hàng tăng nóng 30-40%, NHNN đã can thiệp hỗ trợ thanh khoản cho một số NHTM nhỏ với hạn mức từ 1.000-3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều kiện kèm theo các NHTM này là phải giảm dư nợ cho vay và rốt ráo thu hồi các khoản nợ tín dụng có khả năng thành nợ xấu.

Trong trường hợp không xử lý được các NHTM sẽ phải bán tài sản hoặc bán cổ phần để trả nợ cho NHNN. Vì thế, thay vì nới lỏng tín dụng để chạy đua chỉ tiêu lợi nhuận cuối năm, nhiều NHTM cổ phần vẫn hẹp cửa cho vay và đẩy mạnh thu hồi nợ cũ bị tồn đọng, trong đó lĩnh vực tín dụng phi sản xuất tiếp tục bị siết mạnh từ nay đến cuối năm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Canh bạc lớn của Mỹ - Israel với Iran
Canh bạc lớn của Mỹ - Israel với Iran
TP - Gần đây, các cuộc thảo luận trong chính quyền Joe Biden nhấn mạnh việc lên kế hoạch kịch bản chiến lược nhằm đối phó chương trình hạt nhân đang tiến triển của Iran. Mỹ coi việc Iran làm giàu uranium gần cấp độ vũ khí là một ngưỡng có thể biện minh cho sự can thiệp quân sự.