Tận diệt dược liệu trong rừng

Tận diệt dược liệu trong rừng
TP - Mấy năm gần đây, nhiều người dân Thanh Hóa đổ xô vào rừng kiếm cây thuốc đem bán; nguy cơ cạn kiệt tài nguyên dược liệu ngày càng rõ.

Lộc của rừng...

Vài năm trở lại đây, người dân xã Xuân Thái, huyện miền núi Như Thanh mới biết đến giá trị của loài nấm lim (gọi là nấm Linh Chi). Nhiều người ở làng Yên Vinh, xã Xuân Thái kể: Từ khi có người ở địa phương khác về làng thu mua nấm Linh Chi, họ mới để ý thứ cây này. Từ đó, mỗi chuyến vào rừng, ngoài việc hái măng, kiếm củi như thường lệ, người dân để ý tìm nấm lim. Giá mỗi kilôgam nấm tươi là hơn 100.000 đồng, nấm đã phơi khô là gần 200.000 đồng.

Xã Xuân Thái là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Như Thanh. Nhiều làng của xã còn chưa có điện lưới. Người dân sinh sống giáp với rừng của Vườn Quốc gia Bến En. Ở khu rừng này có nhiều cây lim bị đốn hạ. Trước đây, người dân thường tìm tới những gốc lim này để làm lò đốt lấy than bán. Gần đây, phần vì giá trị của gốc lim mục (mọc nấm nhiều), phần vì sự quản lý chặt của cơ quan chức năng (tránh tình trạng đốt than làm cháy rừng) nên nhiều gốc lim bị chặt sinh sôi nhiều nấm. Nấm có tán càng rộng thì giá trị càng cao. Tuy nhiên, vì tư thương vào tận hộ gia đình ở đây thu mua, nên bây giờ chẳng còn mấy gốc lim có nấm tán rộng. Nấm vừa nhú là có người đi hái. Một số người nói rằng, nấm Linh Chi được thu mua để bán cho người Trung Quốc làm thuốc.

Anh Quách Văn T. kể: “Có nhiều chuyến đi rừng, gặp cán bộ kiểm lâm tịch thu dao, liềm. Nhưng cuộc sống ở đây còn quá nhiều khó khăn nên người dân vẫn vào rừng để tìm cây dược liệu đem bán. Chúng tôi gọi là lộc của rừng”.

Tại nhiều xã ở huyện miền núi Thường Xuân, người dân đổ xô đi lấy các loại cây dược liệu như cây máu chó, cát sâm, khúc khắc, củ ba mươi, ráy thuần thục, củ bảy tầng...

Ở các xã Lương Sơn, Yên Nhân, Bát Một (huyện Thường Xuân), người dân khai thác cây máu chó nhiều nhất. Đây là loại cây thân dây leo, sống bám những cây to trong rừng. Mỗi kg cây máu chó tươi có giá 30.000 đồng. Tại điểm thu mua ở Lương Sơn, mỗi ngày có tới hàng tấn cây máu chó và các cây dược liệu khác của người dân khắp vùng đổ về. Theo nhiều người dân, những cây này được đem bán cho các điểm thu mua làm thuốc đông y, hoặc xuất bán sang Trung Quốc...

Người dân vào rừng thuộc Vườn Quốc gia Bến En hái nấm Lim Ảnh: Hoàng Lam
Người dân vào rừng thuộc Vườn Quốc gia Bến En hái nấm Lim Ảnh: Hoàng Lam.

...Vặt cho trụi!

Ở Thường Xuân, có nhiều điểm thu mua quy mô lớn. “Vài năm gần đây, việc khai thác những cây này trở nên rầm rộ nên ở những cánh rừng gần, nhiều loại cây dược liệu đã không còn nữa. Đồng bào phải đi xa mới kiếm được”, một người dân ở thôn Trung Thành, xã Lương Sơn nói.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, cho biết: Trước khi quy hoạch Vườn Quốc gia Bến En, người dân ở xã Xuân Thái và nhiều xã khác đã sinh sống ở đây. Mặc dù không được phép, nhưng lâu nay người dân vẫn vào rừng khai thác măng... “Chúng tôi chưa nắm được thông tin khai thác dược liệu trong rừng của dân. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trong khi sống ở rừng, nhưng người dân lại không được quyền khai thác, sử dụng hiệu quả đất rừng. Nên chăng, cơ quan chức năng nghiên cứu để giao đất, giao rừng cho dân để việc quản lý, khai thác rừng sẽ hợp lý hơn”, ông Hùng nói.

Ông Lê Phú Vẽ, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân, nói: Nhiều nơi, người dân đang khai thác các loại cây dược liệu không theo quy hoạch; nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên dược liệu trong rừng. “Tuy nhiên, xác định loại cây nào được phép khai thác; khai thác ở những vùng nào thì cần có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng để làm sao người dân có thể tận thu một số loại cây dược liệu nhưng vẫn đảm bảo được tài nguyên dược liệu”, ông Vẽ nhận định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG