Ôtô có thể phải chịu 4 lần phí

Ôtô có thể phải chịu 4 lần phí
Theo dự thảo đề án của quỹ bảo trì đường bộ vừa được Tổng cục đường bộ trình Bộ Giao thông vận tải, ôtô có thể phải chịu bốn loại phí. Trong khi đó, xe máy cũng phải chịu thêm cả phí xăng dầu lẫn phí cho quỹ bảo trì đường bộ.

Ôtô có thể phải chịu 4 lần phí

> Cần lấy ý kiến dân
> Thu phí ô tô vào khu vực trung tâm TPHCM
> Thu phí ô tô vào trung tâm Hà Nội?

Theo dự thảo đề án của quỹ bảo trì đường bộ vừa được Tổng cục đường bộ trình Bộ Giao thông vận tải, ôtô có thể phải chịu bốn loại phí. Trong khi đó, xe máy cũng phải chịu thêm cả phí xăng dầu lẫn phí cho quỹ bảo trì đường bộ.

Cả ôtô và xe máy đều có thể phải chịu thêm phí qua xăng. Ảnh: Thuận Thắng
Cả ôtô và xe máy đều có thể phải chịu thêm phí qua xăng. Ảnh: Thuận Thắng.

Tổng cục Đường bộ vừa trình Bộ Giao thông vận tải dự thảo đề án quỹ bảo trì đường bộ để bộ này xem xét, thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Tổng cục Đường bộ đề nghị chọn phương án tạo nguồn thu cho quỹ bằng cách thu trực tiếp từ đầu ôtô; từ ngân sách nhà nước cấp gián tiếp qua thuế nhập khẩu xăng, dầu diesel (hay nói cách khác là thu qua xăng dầu) và cấp bổ sung trực tiếp cho đủ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ.

Đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng nếu phương án này được chọn, mỗi ôtô sẽ chịu ba lần phí khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo một chủ doanh nghiệp, số phí thu của một ôtô là bốn lần, không phải chỉ ba lần như Hiệp hội Vận tải ôtô đã tính toán.

Ba nguồn tiền để gây quỹ

Theo Tổng cục Đường bộ, nếu thực hiện phương án thu như trên sẽ dừng thu phí tại các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước hiện có, các trạm thu đã chuyển nhượng quyền thu phí dừng thu khi hết hạn chuyển giao. Riêng các trạm thu phí hoàn vốn dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) vẫn thu theo quy định của hợp đồng BOT.

Ước tính của Tổng cục Đường bộ, nếu thu trực tiếp từ đầu ôtô theo số lượng xe hiện nay sẽ có nguồn thu cho quỹ bảo trì đường bộ là 4.467 tỉ đồng/ năm. Đồng thời trong phương án này, Tổng cục Đường bộ đề xuất mức thu qua xăng dầu là 1.000 đồng/lít xăng thông thường, 330 đồng/lít dầu diesel.

Dự kiến cách thu là chủ phương tiện trả phí sử dụng đường theo tháng hoặc kỳ kiểm định của phương tiện hay mua cho cả năm. Đối với xe mới, chủ phương tiện mua phí sử dụng đường cho 12 tháng đầu ngay khi đăng ký lưu hành.

Ngoài hai nguồn thu này, hằng năm ngân sách nhà nước phải cấp trực tiếp 1.968 tỉ đồng mới đủ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ.

Theo Tổng cục Đường bộ, phương án trên cơ bản thay thế phương thức thu phí sử dụng đường bộ qua trạm. Phương thức thu mới có hiệu quả hơn, công bằng hơn; có thể huy động sự đóng góp của xã hội thông qua thuế nhập khẩu xăng dầu một cách hợp lý để cùng với ngân sách nhà nước cấp đủ vốn cho bảo trì đường bộ.

Công tác tổ chức thu đơn giản, không bị thất thu, chi phí tổ chức thu thấp. Đây là phương án đang được một số nước trên thế giới áp dụng.

Nhược điểm của phương án này là một số ngành và lĩnh vực sử dụng nhiên liệu nhưng không tham gia giao thông đường bộ vẫn phải chịu khoản phí để dành cho bảo trì đường bộ. Việc dừng thu ngay các trạm thu phí theo phương án sẽ tạo khó khăn nhất định cho Nhà nước về sắp xếp lại lao động và xử lý tài sản thu phí.

Nếu thực hiện phương án đề xuất, Tổng cục Đường bộ cho rằng sau khoảng hai năm ngân sách nhà nước sẽ giảm cấp bổ sung trực tiếp cho quỹ. Dự kiến sau sáu năm, không cần đến nguồn ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho việc bảo trì đường bộ.

Có thể sắp tới đây sẽ phải thu phí 1.000 đồng/lít xăng đối với ôtô. Ảnh: Thuận Thắng
Có thể sắp tới đây sẽ phải thu phí 1.000 đồng/lít xăng đối với ôtô. Ảnh: Thuận Thắng.

Chịu bốn loại phí

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - khẳng định nếu áp dụng phương án thu như đề xuất của Tổng cục Đường bộ, ôtô phải đóng ba lần phí khi tham gia giao thông gồm: phí theo đầu phương tiện, phụ thu từ xăng dầu và phí cầu đường khi qua trạm thu phí BOT (hiện có 40 trạm thu phí BOT đang hoạt động và có xu hướng tăng thêm).

Trong đó có hai khoản phải nộp qua việc thu từ xăng dầu: nộp cho quỹ bảo trì đường bộ và nộp cho ngân sách nhà nước (hiện đang thu 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít dầu diesel. Ông Hùng lý giải nếu ôtô phải chịu ba loại phí nói trên, giá cước tăng rất nhiều.

Theo một chủ doanh nghiệp vận tải, Nhà nước cũng đang thu phí xăng dầu theo quyết định số 03/2009/QĐ-TTg ngày 9-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ với mức thu 1.000 đồng/lít đối với xăng và 500 đồng/lít đối với dầu diesel.

Như vậy, hiện tại các phương tiện sử dụng xăng dầu đã phải đóng phí xăng dầu. Nếu áp dụng thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu nữa, tức là người sử dụng xăng dầu đều phải chịu thêm một lần phí khi mua xăng dầu.

“Trong phương án thu phí cho quỹ bảo trì nói trên không áp dụng thu phí đối với môtô, xe gắn máy. Nhưng nếu áp dụng cách thu qua xăng dầu để tạo quỹ thì xe máy phải chịu thêm cả phí xăng dầu lẫn phí cho quỹ bảo trì đường bộ. Nếu tính thêm cả phí xăng dầu hiện tại, ôtô phải chịu thêm bốn mức phí khi tham gia giao thông chứ không chỉ là ba”.

Hai phương án còn lại

Phương án tạo quỹ bảo trì đường bộ Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải lựa chọn là phương án thứ hai trong số ba phương án được đưa ra. Hai phương án còn lại gồm:

Phương án 1: Thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ; từ ngân sách nhà nước cấp gián tiếp qua tỉ lệ phần trăm trên giá xăng thông thường, dầu diesel nhập khẩu, sản xuất chế biến trong nước tiêu thụ tại Việt Nam và cấp bổ sung trực tiếp cho đủ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ. Duy trì hoạt động của các trạm thu phí như hiện tại.

Nếu thực hiện phương án này, nguồn thu phí trực tiếp trên đầu phương tiện ôtô, môtô, xe máy là 5.987 tỉ đồng; nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp bao gồm: thu qua tỉ lệ phần trăm trên giá xăng dầu với mức 1.000 đồng/lít xăng và 170 đồng/lít dầu diesel (bằng 100% mức phí xăng và tương đương 1/3 mức phí dầu diesel theo quyết định số 03/2009/QĐ-TTg ngày 9-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ).

Sau khi tính vào giá bán xăng dầu, tỉ trọng phí bảo trì đường bộ chiếm 4,48% giá bán xăng và 0,8% giá bán dầu hiện nay. Số phí thu được là 4.396 tỉ đồng; ngân sách nhà nước cấp bổ sung cho đủ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ sẽ là 1.817 tỉ đồng.

Phương án 2: Thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ; từ ngân sách nhà nước cấp bổ sung trực tiếp cho đủ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ. Đến năm 2015 sẽ dừng thu các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước; các trạm thu phí hoàn vốn dự án BOT vẫn thu theo hợp đồng BOT. Số phí bảo trì đường bộ dự kiến thu được năm đầu khi quỹ đi vào hoạt động từ các phương tiện cơ giới đường bộ khoảng 5.987 tỉ đồng.

Để đáp ứng đủ ngay nhu cầu vốn cho bảo trì đường bộ, hằng năm ngân sách nhà nước sẽ cấp bổ sung cho quỹ 6.213 tỉ đồng.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG