Lỗi tại chính sách chưa... đồng bộ?!

Lỗi tại chính sách chưa... đồng bộ?!
TP - Liên quan vụ Ford Việt Nam có thể bị truy thu nhiều tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu linh kiện ô tô (Tiền Phong ngày 1-7 đã thông tin), tình trạng này còn xảy ra cả với Toyota Việt Nam và nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô khác, với số tiền thuế nếu phải truy thu lên tới cả ngàn tỷ đồng. Sự việc sẽ được xử lý ra sao?

> Ford Việt Nam có thể bị truy thu thuế nhiều tỷ đồng

Doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện ô tô có thể bị truy thu cả ngàn tỷ tiền thuế (ảnh minh họa) Ảnh: Kim Phương
Doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện ô tô có thể bị truy thu cả ngàn tỷ tiền thuế (ảnh minh họa). Ảnh: Kim Phương.
 

Theo tài liệu mà phóng viên có được, ngay trong tháng 6-2011, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, người phụ trách lĩnh vực thuế, hải quan, đồng thời có hai văn bản chỉ đạo trái ngược nhau.

Cụ thể, ngày 1-6, ông Tuấn ký văn bản 7116, chỉ đạo cơ quan hải quan, nếu trong bộ linh kiện nhập khẩu có từ 1 linh kiện trở lên không đảm bảo mức độ rời rạc như Quyết định 05 của Bộ KHCN, thì doanh nghiệp phải nộp thuế linh kiện như thuế suất ô tô nguyên chiếc và có thể cưỡng chế thuế theo đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, 20 ngày sau, trong Công văn số 8118, gửi đơn vị trên, lại cho phép doanh nghiệp tiếp tục thông quan, tạm thời chưa thực hiện trình tự thanh toán thuế và chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế. PV Tiền Phong đã trao đổi với Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn.

Văn bản đá nhau

Thưa ông, vì sao lại có sự chỉ đạo trái ngược nhau trong hai văn bản đều do ông ký?

Liên quan việc Cục Hải quan Hải Dương không nhất trí với kê khai hàng trăm bộ linh kiện nhập về để lắp ráp ô tô của Ford Việt Nam vì cho rằng doanh nghiệp kê khai sai. Vụ việc không phải chỉ có Ford Việt Nam mà hiện tại các DN lắp ráp xe khác như Toyota, Vidamco, Tổng Cty ô tô và 3 đơn vị ở TPHCM cũng đang gặp phải.

Không chỉ một vài trăm tỷ đâu, nếu tính theo Quyết định 05 thì con số lên đến cả ngàn tỷ đồng. Bản chất của vấn đề ở đây là do chính sách của mình chưa đồng bộ, chưa cập nhật và thống nhất. Chứ không có phân định doanh nghiệp đúng hay hải quan đúng.

Còn vì sao tôi ký hai văn bản chỉ đạo khác nhau, là do ngay khi đơn vị cấp dưới có ý kiến, Bộ Tài chính đã trao đổi và bên Bộ KHCN đề nghị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đó là lý do tôi ký văn bản 7116. Tuy nhiên, sau đó, doanh nghiệp đã có đơn và ý kiến đến các bộ, ngành (Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng có cuộc làm việc với Chính phủ về vụ việc của hãng Ford).

Bản thân Bộ KHCN sau khi thấy bất cập đã đi kiểm tra xem lại một số trường hợp. Như của Ford Việt Nam, đúng là 200 bộ linh kiện nhập khẩu họ thực hiện theo đúng Quyết định 05, chỉ mỗi chi tiết ống xả 3 khúc thì họ nhập về là 2 khúc.

Ngay sau đó, Bộ KHCN cũng có văn bản trao đổi lại với Bộ Tài chính. Quan điểm của Bộ KHCN cũng thừa nhận đã đến lúc phải sửa Quyết định 05. Một ngày trước khi ra văn bản 8118 chỉ đạo cho phép làm thủ tục thông quan cho doanh nghiệp để đảm bảo cho sản xuất, tôi đã ký văn bản gửi Bộ KHCN nêu rõ quan điểm nhất trí sửa Quyết định 05.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn.
 

Chờ Thủ tướng quyết định

Dù Quyết định 05 lỗi thời, nhưng nó vẫn đang có hiệu lực, thưa ông?

Trong vụ việc này có 4 cụm linh kiện bị xem là có vấn đề: Bộ phận ống xả chiếu theo Quyết định 05 phải là 3 khúc (mới đảm bảo mức độ rời rạc, được tính thuế thấp), tuy nhiên công nghệ trên thế giới giờ chỉ cần 2 khúc; hoặc gương chiếu hậu một số dòng xe hạng sang có đèn xi nhan, giờ lại gắn vào đầu gương;

Kính trượt theo quy định tại Quyết định 05 là quay tay, nhưng giờ gắn vào trực tiếp; ghế ngồi một số rời ra, một số lại gắn vào... 4 bộ phận trên thực ra chỉ chiếm 1-2% giá trị xe. Nếu chỉ vì thế mà thu thuế một chiếc xe ô tô lắp ráp trong nước bằng mức thuế nhập khẩu nguyên chiếc 83% thì quả là bất hợp lý.

Phải nhìn nhận đây là vấn đề phát sinh từ thực tế và công nghệ mới của ngành ô tô thế giới có thay đổi, việc chúng ta sửa đổi để cập nhật là điều hoàn toàn nên làm.

Nếu sửa Quyết định 05, thì những lô hàng nhập trước đó không đáp ứng theo quy định có bị truy thu tiền thuế chênh lệnh không, thưa ông?

Trong đoàn đi tiến hành khảo sát và kiểm tra các doanh nghiệp nói trên, chỉ có đại diện Bộ KHCN, Bộ GTVT, Bộ Công Thương, còn Bộ Tài chính không tham dự.

Khách quan mà nói, nếu chỉ vì một chi tiết nhỏ mà phải chịu nguyên thuế suất 83% như xe nguyên chiếc nhập khẩu thì doanh nghiệp sẽ thiệt thòi lớn. Tôi được biết, trước đó, Ford Việt Nam đã đình trệ toàn bộ sản xuất 7 ngày do chưa được phép thông quan hàng.

Trong khi Bộ KHCN chưa quyết định được, Bộ Tài chính quyết định cứ tạm thời cho thông quan và treo nợ thuế. Sau này, quyết định thu thuế số tiền chênh đó hay không chúng tôi sẽ xin ý kiến Thủ tướng. Nếu Thủ tướng đồng ý không chấp nhận thu thì Bộ Tài chính sẽ không thu, còn nếu phải thu, Bộ Tài chính sẽ thực hiện.

Cảm ơn ông.

Việc thu thuế linh kiện xe ô tô nhập khẩu căn cứ vào tiêu chuẩn đo độ rời rạc do Bộ KHCN quy định tại Quyết định 05 ra đời năm 2005, xác định tỷ lệ nội địa hóa để thu thuế. Năm 2006- 2007, vẫn trên cơ sở Quyết định 05 làm quy chuẩn, Bộ Tài chính áp thuế theo tỷ lệ mới là nhập khẩu nguyên chiếc hoặc linh kiện.

Theo đó, căn cứ mức độ rời rạc để tính theo 3 nhóm thuế: nếu linh kiện không đạt độ rời rạc theo quy định thì phải chịu thuế như ô tô nguyên chiếc 83%; nếu đạt theo cụm linh kiện thì mức thuế ấn định là 20-30-37%; nếu linh kiện rời rạc thì mức thuế là 5 – 10 - 20%.

Khánh Huyền

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG