Vốn FDI giảm kỷ lục, vì sao?

Vốn FDI giảm kỷ lục, vì sao?
TP - Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2011 giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, do bất ổn từ kinh tế vĩ mô, thiếu điện, khan hiếm lao động có tay nghề.Còn nguyên nhân nào khác?

Bất động sản hút nhà đầu tư ngoại

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, phần lớn số dự án đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm nay thuộc về TPHCM (124 dự án) và Hà Nội (108 dự án). Tính chung, tổng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam trong 6 tháng chỉ đạt gần 4,4 tỷ USD, bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả số vốn tăng thêm của các dự án đang hoạt động, vốn FDI đăng ký trong 6 tháng đạt trên 5,6 tỷ USD, gần bằng 56,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, xu hướng giải ngân FDI cũng giảm dần đều trong 4 tháng gần đây.

Vốn FDI đăng ký giảm 3 năm liên tiếp

Theo số liệu công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tổng vốn đăng ký FDI đã giảm liên tiếp 3 năm. Năm 2008, đạt mức kỷ lục 71,7 tỷ USD. Năm 2009, giảm xuống còn 23,1 tỷ USD. Năm 2010, còn 21 tỷ USD. Dự kiến năm 2011 thu hút FDI đạt 20 tỷ USD.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đầu tư nước ngoài (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam sụt giảm là do nguốn vốn FDI toàn cầu đang suy giảm (khủng hoảng kinh tế thế giới). Vì kinh tế đang khó khăn nên các nước chuyên cung cấp FDI đang phải đối phó để ổn định kinh tế trong nước và điều chỉnh lại nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn do lạm phát và chính sách tài chính. Chính vì thế, dẫn đến tâm lý nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam đã án binh, chờ thời, đợi Việt Nam sớm ổn định kinh tế mới vào đầu tư. “Theo dự báo, đến năm 2011, dòng vốn FDI toàn cầu sẽ dần ổn định nhưng đến nay vẫn chưa có gì sáng sủa” - ông Thắng nói.

Ông Thắng cho rằng, để thu hút FDI tốt trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư cũng như cơ sở vật chất hạ tầng và nguồn nhân lực. “Chỉ khi nào kinh tế ổn định, môi trường kinh doanh triển vọng, sáng sủa, lúc đó nhà đầu tư mới tích cực đàm phán và tìm kiếm dự án đầu tư tại Việt Nam” - Ông Thắng nói.

Trong báo cáo tình hình phát triển kinh tế Việt Nam mà Ngân hàng Thế giới vừa công bố, cơ quan này nhận định, sự sụt giảm FDI cam kết không chỉ giải thích bằng yếu tố từ nền kinh tế toàn cầu mà chính là do các yếu tố như bất ổn kinh tế vĩ mô, thiếu điện, khan hiếm lao động có tay nghề.

Môi trường đầu tư xấu đi?

Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng giải ngân FDI giảm sẽ ảnh hưởng bất lợi đến cân thanh toán tổng thể, tăng thêm áp lực với cung ngoại tệ, khi tình hình nhập siêu chưa được cải thiện nhiều.

Ông Nguyễn Đình Cung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), phân tích: “Sự sụt giảm của FDI cần phải được phân tích trên cơ sở về cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực. Nếu như dòng vốn FDI vào bất động sản, vào các dự án sử dụng nhiều năng lượng, dự án công nghệ thấp giảm, thì đó là dấu hiệu tốt. “Sự chậm lại của dòng vốn FDI để tái cơ cấu chất lượng của dòng vốn sẽ mở đầu cho giai đoạn thu hút FDI theo định hướng mới của Việt Nam”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện CIEM cho rằng cần tách bạch số vốn thu hút cam kết và số vốn FDI giải ngân thực tế. Con số cam kết phản ánh một phần môi trường kinh tế vĩ mô và cho thấy môi trường này có dấu hiệu xấu đi. Nhưng ở đây cần nhìn kỹ hơn số vốn FDI thực hiện. Rõ ràng môi trường đầu tư của mình đang là một trở ngại trong thu hút FDI, kể cả thu hút FDI hiệu quả. Với tình hình kinh tế và việc thắt chặt đầu tư công đến đâu vẫn đang là một dấu hỏi, rõ ràng dòng vốn FDI thực hiện từ nước ngoài vào sẽ góp phần giữ tăng trưởng, đảm bảo công ăn việc làm.

Cũng theo ông Thành, cái quan trọng trong thu hút FDI là phải tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, trước hết cần phải có sự ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời đảm bảo các cam kết quốc tế, đưa được các công nghệ tiên tiến vào quy trình quản trị, sử dụng các kỹ năng của doanh nghiệp. Làm được điều này cần có sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong thu hút đầu tư nước ngoài. Trước hết cần có sự cải cách, tái cấu trúc lại nền kinh tế. Nếu không việc thu hút FDI sẽ còn khó khăn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG