Nông dân 'treo' trại, giảm đàn

Anh Trần Văn Chiến, đại gia nuôi lợn tại Sơn Tây (Hà Nội) phải giảm đàn vì bão giá, dịch bệnh
Anh Trần Văn Chiến, đại gia nuôi lợn tại Sơn Tây (Hà Nội) phải giảm đàn vì bão giá, dịch bệnh
TP - Dịch bệnh, 'bão giá' khiến nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn phải hoạt động cầm chừng, không ít nông dân ngừng nuôi. Đàn gia súc cả nước giảm dần.

>> Quý 1-2011: Lạm phát hơn 6,1%

Anh Trần Văn Chiến, đại gia nuôi lợn tại Sơn Tây (Hà Nội) phải giảm đàn vì bão giá, dịch bệnh
Anh Trần Văn Chiến, đại gia nuôi lợn tại Sơn Tây (Hà Nội) phải
giảm đàn vì bão giá, dịch bệnh.

Đại gia teo tóp

Anh Trần Văn Chiến ở thôn Đoàn Kết, xã Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) được xem là đại gia chăn nuôi ở miền Bắc khi sở hữu hệ thống trang trại lợn có số đầu con cả chục nghìn. Hiện nay, khi dịch lở mồm long móng (LMLM), tai xanh lăm le, giá thức ăn chăn nuôi, lãi suất ngân hàng đội lên, người giỏi xoay xở như anh cũng phải tính chuyện giảm đàn, treo trại.

Những năm trước, anh Chiến thường xuyên duy trì 5 trại nuôi lợn, khoảng 8.000 - 10.000 con, nhưng nay đã đóng cửa một trại, giảm gần 2.000 con.

Đi giữa hệ thống trại lợn nái, lợn thịt trống trơn, anh Chiến nói: “Từ khi làm nghề chăn nuôi hơn chục năm nay, căng thẳng, khắc nghiệt nhất là những lúc đàn lợn bị dịch quét nhưng vẫn có thể xoay xở được. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay, dịch bệnh, giá cám, giá điện, lãi suất ngân hàng... đua nhau tăng, bị ép tứ bề, khó trụ được”.

Theo anh Chiến, với giá lợn hơi hiện nay 53.000-54.000 đồng/kg, người chăn nuôi vẫn có lãi, “nhưng là cái lãi của mức đầu tư 5 tháng trước”. Còn với giá đầu vào hiện nay, chả ai dám làm; lãi suất cao lại khó vay, giá thịt lợn không ổn định, chỉ xuống một vài giá nữa là lỗ chỏng vó.

“Từ cuối năm ngoái tới nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng trên 20%, giá lợn giống siêu nạc từ 850.000-900.000 đồng/con (nặng từ 6-8 kg/con) lên 1,1-1,2 triệu đồng/con; riêng điện, giá tăng đã đành, thiếu điện, cắt điện còn chết nữa. Lúc này, tôi chỉ duy trì tổng đàn hiện có. Muốn tăng đàn, phải cân đong đo đếm, phán đoán tình hình, nhất là phải chờ thời điểm, chi phí đầu vào, ra ổn định”, anh Chiến nói.

Giống anh Chiến, anh Trương Mạnh Quân ở thôn Khúc, xã Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên) được xem là đại gia chăn nuôi ở tỉnh. Anh Quân hiện có 10 trại chăn nuôi, diện tích gần 10 ha, trước đây số đầu con luôn trên 5.000 con, nhưng nay phải rút còn hơn 3.000.

Theo anh Quân, số lợn thịt đến kỳ sau khi xuất chuồng sẽ không tái đầu tư. Theo cách tính của anh, nếu mua một con giống 15 kg, giá khoảng 1,7 triệu đồng/con, nuôi gần 5 tháng được khoảng hơn 100 kg, ăn hết khoảng 2,4 triệu đồng tiền cám; tổng cộng mất khoảng 4,1 triệu đồng. Nếu cộng thêm 15% chi phí tiêm phòng vaccine, điện, nhân công... thì giá bán lợn phải 47.000 đồng/kg mới hòa vốn.

Anh Quân cho hay, anh vay ngân hàng 8 tỷ đồng, nếu tháng 10-2010 lãi suất chỉ 11%/năm thì nay lên gần 20,5%. Hộ chăn nuôi lớn còn khó xoay xở, hộ chăn nuôi nhỏ, hỏi vay ngân hàng thời buổi này, đúng là chuyện khó tưởng, anh nói.

Khốn khó trại vừa và nhỏ

Tại Hợp tác xã Chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội), trước đây, với trên 170 hộ chăn nuôi, cả nuôi gia công cho các Cty và tự túc, số lượng lợn nuôi là 150.000 con. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái tới nay, số lượng này giảm xuống còn khoảng 125.000.

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 3, giá một số thức ăn chăn nuôi tăng mạnh như: ngô 7.900 đồng/kg (tăng 10,3%), khô dầu đậu tương hơn 11.000/kg (tăng trên 6%), cám gạo 6.510 đồng/kg (tăng 10,7%), bột cá 22.050đồng/kg (tăng 5%), sắn lát 6.300đồng/kg (tăng 11,1%)…

Do tác động của dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi, điện, xăng dầu, con giống, lãi suất… tăng, người chăn nuôi không dám mở rộng đàn. Trong quý I, đàn trâu bò cả nước giảm 1%, lợn giảm 0,5-1%... 

treo chuồng. Mặt khác, thấy giá đầu vào tăng quá cao, nhiều hộ sau khi xuất chuồng không nuôi nữa.

Anh Nguyễn Quý Quyết ở thôn Trại Láng, xã Cổ Đông đi trong hệ thống trang trại trống trơn của mình, nói: “Trước đây có 5-6 công nhân túc trực, giờ chỉ có hai vợ chồng nuôi 30 con lợn trong một ô chuồng”. Anh Quyết kể, ba năm trước, đầu tư 1,5 tỷ đồng để xây dựng 4 dãy chuồng, nuôi 100 lợn nái, 300 con lợn thịt. Nhưng rồi, gần bốn tháng trước Tết, khi dịch LMLM có mặt ở khu vực, anh bán hết, chỉ giữ lại 30 con lợn thịt.

Anh Nguyễn Văn Phúc ở thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) nhớ lại cơn ác mộng tháng 12-2010 và tháng 1-2011 khi dịch LMLM quét qua trang trại. “Lúc đó, tôi nuôi 120 con lợn nái, gần 1.000 lợn thịt. Và rồi dịch bệnh đến, 50 con nái, gần 500 con lợn thịt to nhỏ, con bị chết, chôn, con nào cứu được thì bán để cứu vớt đồng vốn, tính ra, lỗ hơn 1 tỷ đồng. Chăn nuôi cả chục năm nay, chưa bao giờ dính vố đau như vậy”.

Hiện trang trại anh Phúc còn hơn 300 con lợn thịt, trên 70 lợn nái. “Tôi còn vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng, có phần lãi suất ưu đãi, có phần chịu lãi suất hơn 20%/năm. Cưỡi trên lưng hổ rồi, khó xuống lắm. Tôi muốn tiếp tục tăng đàn để gỡ vốn, nhưng khổ nỗi trông chờ vào đâu, sổ đỏ cắm hết rồi, không thể vay vốn ngân hàng. Giờ chỉ xoay xở anh em, bạn bè, và chờ đàn nái đẻ lứa mới để mở rộng đàn lợn thịt thôi”, anh Phúc nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
5 công trình ở TPHCM vừa được xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật
5 công trình ở TPHCM vừa được xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật
TPO - Sở Văn hoá- Thể thao (VH-TT) TPHCM vừa công bố quyết định xếp hạng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp thành phố cho 5 công trình gồm Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 1, trụ sở Cục Hải quan TPHCM, khu mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty Thừa vụ lang họ Trần.