Các nhà phân tích tại Commerzbank nhận định: “Những bất ổn hiện nay chính là nền tảng rất tốt cho các kim loại quý”. |
Tính tới 10h05, vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu được niêm yết ở mức 37,09 - 37,20 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Vàng SJC của Công ty Phú Quý cùng thời điểm có giá mua và bán tương tự.
Còn theo bảng giá cập nhật lúc 9h15 của Sacombank, vàng SBJ được mua vào với giá 37,11 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 37,17 triệu đồng/lượng. Vàng SJC được mua và bán ở các mức 37,1 và 37,2 triệu đồng mỗi lượng.
Như vậy, nhìn chung giá vàng miếng các thương hiệu trong nước sáng nay đã trở về tiệm cận mức chốt cuối tuần trước (37,17 triệu đồng/lượng).
Trong khi đó, trên thị trường thế giới đêm qua, giá vàng tại New York tăng thêm 10 USD/ounce, khi nhà đầu tư tìm tới kênh đầu tư này như một nơi trú ẩn an toàn, trong bối cảnh xung đột tại Lybia leo thang và thảm họa hạt nhân ở Nhật chưa được giải trừ.
Giá vàng giao tháng 4 trên sàn Comex tại New York đêm qua tăng 10,3 USD/ounce (+0,7%) lên 1.426,40 USD/ounce, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 9/3. Phạm vi giao dịch của giá vàng trong ngày là từ 1.423,5 – 1.435,1 USD/ounce.
Trên thị trường châu Á sáng nay, giá vàng quốc tế tiếp tục tăng mạnh. Theo bảng thanh toán trực tuyến Kitco, tính tới 10h05, giá vàng giao ngay hiện ở mức 1.430,4 USD/ounce và đang đi lên.
Nhiều ý kiến trong giới phân tích cho rằng, giá vàng thế giới tăng cao là do căng thẳng ngày càng leo thang tại Lybia, khi liên minh Anh-Pháp-Mỹ mở các đợt tấn công quân sự vào quốc gia này nhằm thiết lập vùng cấm bay theo Nghị quyết 1972 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Thêm vào đó, tình hình phóng xạ tại Nhật Bản chưa hoàn toàn được giải trừ. Mặc dù, việc làm mát các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã có tiến triển, nhưng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phóng xạ tìm thấy trong thực phẩm và nước máy ở Nhật Bản là nghiêm trọng hơn dự báo.
Tương tự vàng, các kim loại khác như bạc, bạch kim, palladium và dầu thô cũng tăng giá nhẹ trong phiên 22/3. Giá bạc giao tháng 5 tăng 2,7% lên 36 USD/ounce. Giá palladium giao tháng 6 tăng 11,1 USD/ounce lên 742,3 USD/ounce. Bạch kim giao tháng 4 tăng 21,5 USD/ounce lên 1.744,9 USD/ounce.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4 trên sàn New York tăng 1,26 USD/thùng (+1,3%) lên 102,33 USD/thùng. Đầu phiên, dầu loại này vượt lên 103,35 USD/thùng. Dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 4 trên sàn London tăng 1,03 USD/thùng (+0,9%) lên 114,96 USD/thùng, sau khi chạm đỉnh trong ngày tại 116,22 USD/thùng.
Các nhà phân tích tại Commerzbank nhận định: “Những bất ổn hiện nay chính là nền tảng rất tốt cho các kim loại quý”. Ngoài ra, việc đồng USD suy yếu cũng góp phần nâng giá vàng đi lên. Hôm 22/3, chỉ số đồng USD giảm xuống 75,46.
Trên thị trường ngoại hối trong nước sáng nay, giá USD trong hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục tăng thêm 10 đồng so với ngày 21/3. Cụ thể, tại Vietcombank, đồng USD được mua vào với giá 20.885 đồng/USD, bán ra ở 20.890 đồng/USD.
Đồng Yên được mua vào ở khoảng giá 255,75 - 258,33 đồng/Yên, bán ra ở 264,36 đồng/Yên. Đồng Euro được giao dịch ở mức 29.762,52 – 29.852,08 đồng/Euro giá mua vào và 30.366,45 đồng/Euro giá bán ra.
Theo Sơn Hà
Thời Báo kinh tế