Bất ngờ rong biển Trường Sa

Bất ngờ rong biển Trường Sa
TP - Nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học ở Phân viện Hải dương học tại Hải Phòng (nay là Viện Tài nguyên & Môi trường Biển) cho thấy, quanh quần đảo Trường Sa có hàng trăm loài rong biển, trong đó không dưới 60 loài có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao.

Theo TS Đàm Đức Tiến, Trưởng phòng Sinh thái Tài nguyên Thực vật Biển thuộc Viện Tài nguyên &Môi trường Biển, rong biển ở quần đảo Trường Sa có sự phân bố đa dạng và không đồng đều. Tại 10 đảo thuộc quần đảo Trường Sa (Trường Sa lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Phan Vinh, Tốc Tan, Thuyền Chài, Đá Tây, Sinh Tồn và Đá Nam), các nhà khoa học đã xác định được 255 loài rong biển thuộc bốn ngành.

Số lượng loài tại các đảo dao động từ 17 loài (đảo Phan Vinh) đến 127 loài (đảo Đá Tây) và trung bình 72,9 loài. Nguyên nhân chính của mật độ phân bố chênh lệch này là do sự khác nhau về vị trí địa lý giữa các đảo, tác động của con người và thiên nhiên.

Trong số hàng trăm loài, bước đầu, các nhà khoa học xác định 62 loài rong có giá trị kinh tế, trong đó, một số loài có trữ lượng tự nhiên tức thời như rong mơ (34 tấn), rong câu (9 tấn), rong guột (10 tấn), rong quạt (5 tấn), rong gai (9 tấn), rong đông (13 tấn), rong mào gà (15 tấn), rong sụn (30 tấn) và rong loa kèn (20 tấn).

Với nguồn lợi như trên, “rong biển tại quần đảo Trường Sa trở thành một nguồn tài nguyên có ý nghĩa thực tiễn rất lớn”, TS Tiến, điều phối viên quốc gia giám sát rạn san hô, nói. Nghiên cứu không chỉ có ý nghĩa khoa học, góp phần bổ sung tài liệu về nguồn lợi rong biển trong nước mà còn giúp cơ quan quản lý tại quần đảo Trường Sa có thể định hướng khai thác nguồn tài nguyên quý giá này một cách hợp lý và có hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng hải đảo.

Căn cứ giá trị sử dụng của từng loài, các nhà khoa học đã phân loại rong biển tại quần đảo Trường Sa thành sáu nhóm làm nguyên liệu chế biến cụ thể như nhóm làm nguyên liệu chế biến kẹo Carrageenan, nhóm làm nguyên liệu chế biến thạch (agar), dược liệu, thực phẩm, phân bón và rau xanh.

Rong biển, một nhóm thực vật bậc thấp sống ở biển, được biết đến như một nguồn lợi thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và tác dụng chữa bệnh. Rong biển còn làm nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp như thực phẩm, dệt may, mỹ phẩm, dược phẩm. Theo TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Quản lý Biển, rong biển đang là một trong những đối tượng có nhiều triển vọng, góp phần đáng kể làm thay đổi bộ mặt các vùng nông thôn nhất là vùng nông thôn ven biển và hải đảo Việt Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG