Bộ vẫn ra đề nhưng bỏ chấm chéo tốt nghiệp

Bộ vẫn ra đề nhưng bỏ chấm chéo tốt nghiệp
TP - Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành hôm 6-3, từ năm nay kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được giao quyền chủ động cho địa phương nhiều hơn. Tuy nhiên, riêng khâu ra đề thi, Bộ GD&ĐT vẫn đảm nhiệm.

> Chạy đua đến kỳ thi tốt nghiệp

Bỏ nhiều quy định có từ thời “hai không”

Theo quy định mới được bổ sung vào quy chế giai đoạn ngành GD&ĐT thực hiện cuộc vận động “hai không” (nói không với bệnh thành tích trong giáo dục và tiêu cực trong thi cử), tuy giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định thành lập một hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT nhưng hội đồng này không được chấm bài thi các môn tự luận của thí sinh tỉnh/thành mình, mà phải chấm của thí sinh tỉnh khác (theo sự phân công của Bộ).

Nhưng từ năm nay, mọi công việc của hội đồng chấm thi của các sở GD&ĐT lại trở về nếp cũ, kể cả với bài thi các môn tự luận: hội đồng của tỉnh nào chấm cho thí sinh tỉnh ấy.

Quy định này kèm theo một loạt thay đổi có tính chất kỹ thuật trong quy chế thi tốt nghiệp THPT như: Thay vì hội đồng chấm thi chỉ nhận bàn giao từ các hội đồng coi thi bài thi trắc nghiệm, nay nhận toàn bộ bài thi, hồ sơ coi thi; Giao nộp toàn bộ hồ sơ coi thi và bài thi đã chấm cho sở GD&ĐT.v.v...

Đặc biệt, nhờ bỏ chấm chéo, hội đồng chấm thi được bỏ qua khâu chờ đợi để nhận kết quả chấm thi tự luận của thí sinh tỉnh/ thành mình từ Sở GD&ĐT khác. Sau khi có kết thúc khâu chấm thi tại hội đồng mình, hội đồng chấm thi được phép xét duyệt và đề nghị công nhận tốt nghiệp cho thí sinh luôn.

Một nội dung khác được phục hồi nguyên trạng các quy định có từ trước thời “hai không” là tổ chức hội đồng coi thi. Nếu như thời “hai không”, Bộ GD&ĐT bắt buộc các địa phương phải tổ chức các hội đồng thi theo cụm trường thì nay tất cả các quy định liên quan tới cụm trường đều bãi bỏ.

Thay vào đó, Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định thành lập các Hội đồng coi thi, thí sinh của mỗi Hội đồng coi thi gồm học sinh của một hoặc nhiều trường phổ thông.

Đặc biệt, một quy định được đánh giá là “sáng kiến” của năm đầu thực hiện “hai không” là cho ra đời lực lượng thanh tra ủy quyền thì với quy chế mới, lực lượng này không bắt buộc phải có.

Nếu như trước đây, các trường ĐH và CĐ buộc phải có nghĩa vụ cử cán bộ tham gia kỳ thi theo sự điều động của Bộ GD&ĐT thì nay các trường chỉ vào cuộc khi có đề nghị của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, hoặc theo sự điều động của ban chỉ đạo thi phổ thông Trung ương.

Như vậy vai trò thanh tra, giám sát kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được hoàn toàn giao cho các sở GD&ĐT, vừa là tự giám sát, vừa giám sát lẫn nhau (Sở nọ cử đoàn thanh tra đi Sở kia).

Bộ vẫn ra đề

Ngoài quyền chỉ đạo kỳ thi, Bộ GD&ĐT vẫn trực tiếp tham gia vào công tác tổ chức kỳ thi ở khâu ra đề. Theo đó, bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra quyết định thành lập hội đồng ra đề thi mà lãnh đạo hội đồng này đều là lãnh đạo các cục, vụ chức năng của Bộ.

Thư ký và ủy viên ra đề thi bao gồm nhiều thành phần: cán bộ, chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ, giảng viên các đại học, học viện, trường đại học; chuyên viên của các Sở GD&ĐT, giáo viên giỏi đã hoặc đang giảng dạy chương trình THPT ở các trường phổ thông.

Mỗi môn thi có một tổ ra đề gồm tổ trưởng ra đề thi và các ủy viên, có các ủy viên phản biện đề thi. Lực lượng bảo vệ gồm các cán bộ bảo vệ của cơ quan Bộ GD&ĐT và cán bộ bảo vệ an ninh chính trị nội bộ của ngành công an.

Cũng như các kỳ thi tốt nghiệp THPT từ trước đến nay, đề thi tốt nghiệp THPT phải đạt các yêu cầu cơ bản như nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông hiện hành; kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết về thực hành của người học...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.