Nhiều trường dân lập có nguy cơ phá sản

Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Trần Hồng Quân: Không nên đầu tư cho giáo dục tràn lan như hiện nay. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Trần Hồng Quân: Không nên đầu tư cho giáo dục tràn lan như hiện nay. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Đó là nhận định của ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam, khi trao đổi với PV Tiền Phong.

> Con đường nào cho trường THPT tư thục?

Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Trần Hồng Quân: Không nên đầu tư cho giáo dục tràn lan như hiện nay. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Trần Hồng Quân: Không nên đầu tư cho giáo dục tràn lan như hiện nay. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Tại hội thảo “Đổi mới và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo T.Ư, ĐH Hòa Bình, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức ngày 29-2, có ý kiến cho rằng khối ngoài công lập (NCL) đã thu hút nguồn vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng khối trường này vẫn chưa nhận được sự tin tưởng của xã hội; thậm chí nhiều trường đang đứng trên bờ vực phá sản.

“Hiện tượng này không chỉ nằm ở các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngoài công lập mà còn nằm cả ở các trường phổ thông NCL. Họ cũng đang đứng trước nguy cơ đó. Và năm học tới đây, nguy cơ này còn lớn hơn đối với các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, đại học NCL, do không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh ít”, ông Quân nói.

Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Một mặt do quan điểm xã hội của chúng ta cũng như quan điểm về quản lý đã không thấy rằng hệ thống trường NCL từ mẫu giáo lên ĐH là cánh thứ hai của nền giáo dục, gánh vác một phần tải trọng lớn cho ngân sách nhà nước phải chi cho giáo dục (GD).

Một nguyên nhân căn bản là do khó khăn về đời sống và các yếu tố khác, ngay cả ĐH công lập (CL) cũng muốn mở rộng quy mô, dù đã quá tải rất nhiều.

Điều này dẫn đến thực tế có những trường CL có uy tín, tên tuổi cũng lấy sát điểm sàn, vét gần hết thí sinh; các trường NCL lấy đâu người học nữa. Các trường địa phương không có thí sinh nhưng sống được là nhờ có ngân sách, các trường NCL chết thì có gì là lạ?

Như vậy, chỉ cần giải bài toán đầu tư là xong?

Ngân sách đầu tư cho giáo dục đã lên đến 22%, khó có thể đầu tư hơn được nữa. Bài toán kinh tế của đào tạo đã không đi từ gốc của bản thân hệ thống GD.

Hệ thống không hợp lý mà cứ muốn tăng ngân sách thì càng không hợp lý. Các trường NCL, từ mẫu giáo lên ĐH khó tuyển sinh do nhận thức mang tầm vĩ mô, không phải đơn thuần là câu chuyện ngân sách.

Điều đầu tiên là không nên đầu tư cho giáo dục tràn lan như hiện nay mà chỉ nên đầu tư cho các trường mang tính trọng điểm đào tạo nhân tài; đào tạo phục vụ công ích - công quyền, đào tạo diện chính sách.

Việc tiếp theo là cần đồng thời mở rộng cửa cho một số trường CL tự chủ lấy thu bù chi, thậm chí chuyển CL thành NCL. Cho phép các trường này vận hành giáo dục nghề nghiệp nói chung, trong đó có giáo dục ĐH như một loại dịch vụ đặc biệt.

Các trường CL lúc đó sẽ phải chơi chung trong một sân, cạnh tranh chung với các trường NCL. Hiện nay, thí sinh đua nhau chạy vào trường CL vì chỉ phải đóng 30% học phí so với trường NCL, 70% chi phí đào tạo của các trường này là do Nhà nước cấp. Nếu chơi chung, thí sinh sẽ phải đóng 100% học phí. Lúc đó, trường nào mạnh, trường đó sẽ thu hút được người học.

Ông Trần Hồng Quân
Ông Trần Hồng Quân.
 

Về chất lượng trường CL và NCL, ông có so sánh gì?

Với tất cả sự cạnh tranh không bình đẳng như đã nói ở trên, các trường NCL chỉ tuyển được thí sinh đầu vào yếu hơn và đó cũng là một sự bất lợi trong việc có được chất lượng ngang bằng trường CL. Ngoài ra, một số trường NCL cũng có điều tiếng và điều này làm tổn hại thanh danh của họ.

Nhiều trường NCL đang đòi quyền tự chủ. Theo ông, quyền tự chủ có giải quyết được vấn đề chất lượng không?

Tôi không ủng hộ việc đòi quyền tự chủ tối đa. Các trường NCL chỉ cần quyền tự chủ về tài chính, nhân lực, nội dung chương trình mà không nên tự chủ về mục tiêu và chuẩn đầu ra - những thứ cần phải được đánh giá minh bạch, công khai, thông qua cơ chế kiểm định chất lượng. Không phải tự chủ là muốn làm gì thì làm.

Mới đây, Bộ kiên quyết căn cứ vào năng lực để quyết định chỉ tiêu là một quyết định đúng đắn.

Tự chủ đi đôi với tự chịu trách nhiệm. Ông có cho rằng cần mạnh dạn đóng cửa những trường NCL không đảm bảo tiêu chuẩn để tạo uy tín cho nhóm trường này hay không?

Tôi rất hoan nghênh giải pháp chế tài mạnh để đảm bảo điều kiện đào tạo tốt. Tuy nhiên, thái độ của ta coi việc mở NCL là một chủ trương lớn và kỳ vọng nhiều vào việc đó thì cần tìm giải pháp khắc phục những yếu kém của từng đơn vị tổ chức đào tạo, giúp họ vượt qua những vi phạm trước khi lạnh lùng dùng chế tài để xử phạt.

Nhưng, đối với những trường quá kém và vi phạm liên miên thì phải mạnh tay xử lý là điều đương nhiên.

Cảm ơn ông.

Hồ Thu (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG