Hồi chuông cảnh báo về chất lượng giáo dục

Hồi chuông cảnh báo về chất lượng giáo dục
TP - Liên quan việc Nam Định không tuyển công chức là người tốt nghiệp đại học ngoài công lập, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, đó là hồi chuông cảnh báo chất lượng giáo dục của những trường ngoài công lập.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Không nên phân biệt đối xử giữa người tốt nghiệp trường đại học (ĐH) công lập (CL) và ĐH ngoài công lập (NCL) bởi lẽ, về mặt pháp lý, các loại bằng cấp này là như nhau.

Hơn nữa, một trường, dù là CL hay NCL, đã được phép đào tạo thì phải là đảm bảo một số điều kiện nhất định nào đó như cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình...; ngay cả chất lượng đầu vào của thí sinh cũng đã được khống chế bằng điểm sàn.

Bằng cấp mới chỉ là một thông số đầu tiên, chưa nói được nhiều về chất lượng người lao động. Người tuyển dụng nên tùy mức độ yêu cầu cao thấp khác nhau có thể quyết định chọn người qua nhiều phương pháp khác nhau để lựa chọn người phù hợp.

Dư luận cho rằng, sau Đà Nẵng và Nam Định, rất có thể còn có nhiều tỉnh khác sẽ nói không với một số loại bằng cấp. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Khi các tỉnh lên tiếng như vậy, tất nhiên tôi không ủng hộ cách làm không công bằng như thế. Nhưng, phải nói đó cũng là một hồi chuông cảnh báo cho các trường, phải nâng cao chất lượng hơn nữa. Cụ thể ở đây, các trường NCL phải tuân thủ các quy định của Bộ về chất lượng đào tạo, về điểm sàn (ĐS). Không thể đòi hỏi ĐS cao thấp khác nhau như vừa qua mà phải tuân thủ ĐS chung nếu muốn uy tín như nhau.

Đặc biệt các trường phải đánh giá thực chất trình độ của học sinh, không thể để hiện tượng “đầu vào bằng ĐS; đầu ra toàn khá giỏi”, trở thành hiện tượng “lạm phát khá giỏi” đã từng bị công luận phê phán. Các trường CL điểm đầu vào cao thế nhưng chỉ có khoảng 20-30% sinh viên khá giỏi là may lắm, trong khi các trường NCL khá giỏi nhiều quá khiến người ta sẽ có cách nghĩ khác đi.

Vậy vấn đề bằng cấp có giá trị như nhau hay không, có được đưa vào dự thảo Luật Giáo dục sắp tới, thưa ông?

Chủ trương là giao cho các trường ĐH in và cấp phát văn bằng chứ Bộ không quản lý việc cấp phát văn bằng nữa. Luật GD trước đây quy định các loại văn bằng như nhau nhưng Luật GD ĐH tới đây sẽ để chất lượng bằng cấp gắn liền với tên tuổi các trường.

Các trường in bằng ra phát bằng và chịu trách nhiệm về chất lượng của mình. Các nhà tuyển dụng và xã hội sẽ dựa vào tên trường và chất lượng người được tuyển để biết chất lượng đào tạo của trường đó. Chất lượng của các trường khác nhau nhưng về mặt pháp lý, văn bằng là như nhau.

Tại sao Bộ GD&ĐT không mạnh tay đóng cửa các trường ĐH mà vẫn tiếp tục giao chỉ tiêu tuyển sinh cho một số trường không tuyển sinh đủ trong nhiều năm hoặc có vấn đề về tổ chức khiến dư luận băn khoăn?

Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của Bộ GD&ĐT căn cứ vào 2 tiêu chí quan trọng là số lượng giảng viên và diện tích mặt bằng đảm bảo cho một sinh viên. Có chỉ tiêu không có nghĩa là tuyển sinh đủ chỉ tiêu vì còn phụ thuộc vào ngành học có thu hút học sinh hay không.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng đang có đoàn kiểm tra đi thanh tra tình hình thực hiện nghị quyết 50 của Quốc hội khóa 12 về điều kiện đảm bảo chất lượng. Những trường không có đất đai, không hoặc vay mượn tạm cơ sở vật chất thì Bộ sẽ có biện pháp xử lý.

Cám ơn ông.

Về thông tin TPHCM đang kiểm tra trình độ ngoại ngữ của giáo viên các cấp. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết:

Việc tỉnh này hay tỉnh kia dùng các biện pháp để kiểm tra đánh giá chất lượng giáo viên là sự cá biệt của địa phương chứ không phải chủ trương chung trong toàn ngành.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, kiểm tra môn ngoại ngữ hay bất cứ môn nào khác là để biết trình độ giáo viên để khắc phục, nếu cần thiết, và bồi dưỡng, nâng cao trình độ chứ không phải không đạt là không dạy học nữa.

Kiểm tra 4 kỹ năng là rất khó. Giáo viên đạt được mức độ nào đó, không đạt tối đa thì vẫn được giảng dạy ở một vài kỹ năng là tùy địa phương quyết định và không phải là quy định bắt buộc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Toàn quân tăng tốc, bứt phá trong năm 2025
Toàn quân tăng tốc, bứt phá trong năm 2025
TPO - Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng xác định, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, toàn quân tăng tốc, bứt phá, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.