Mở quá nhiều hướng

Mở quá nhiều hướng
TP - Trong nội dung khoản 1, Điều 105, chương VII, Luật Giáo dục có quy định: “Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”.

> Vui & lo

Tuy nhiên, 6 năm qua, kể từ khi luật được ban hành đến nay, nội dung này chưa bao giờ được triển khai trong thực tế. Ngoài các khoản thu pháp luật quy định, trong hệ thống văn bản quy định về tài chính của các cấp liên quan tới GD&ĐT luôn có một phần lớn để nói về “các khoản thu khác”.

Chỉ mỗi từ “khác” thôi, gánh nặng chi phí đè lên vai bao lứa phụ huynh khiến mọi nỗ lực của chính phủ dành cho giáo dục nhiều lúc gần như không được người dân để ý. Chẳng hạn, trò chuyện với chúng tôi, một bộ phận rất lớn phụ huynh tỏ ra ngạc nhiên khi biết nhà nước miễn thu học phí ở cấp giáo dục tiểu học!

Thật ra, ngay cả các “khoản thu khác” cũng chỉ mới được Bộ GD&ĐT nhắc đến một cách chính thức trong các văn bản chỉ đạo của Bộ vài năm nay. Tuy nhiên, cũng có thể do chưa bàn bạc kĩ, hoặc có thể còn hoang mang chưa biết khả năng thực thi đến đâu, Bộ vẫn chưa mạnh tay cắt đi những khoản thu được xem là nguồn cơn của mọi nhức nhối lạm thu: các khoản nhân danh ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu.

Khi nhà nước chưa ban hành Luật Giáo dục 2005, cả nước có một tổ chức tên gọi là Hội Phụ huynh học sinh các cấp ở tất cả các địa phương. Hồi đó, quỹ để hội hoạt động được quy định nhất quán trong một tỉnh/ thành. Ở trường nào, hội phụ huynh cấp trường có một chút “linh hoạt” trong thu chi, các phụ huynh còn có chỗ để mà phản ánh.

Thực hiện Luật Giáo dục 2005, tổ chức ban đại diện cha mẹ học sinh không còn tồn tại dưới hình thức hội liên trường và ở các cấp hành chính. Đó cũng là nguồn cơn cho tình trạng “trăm hoa đua nở” trong việc thu các loại quỹ do các ban đại diện cha mẹ học sinh trường/ lớp lập ra.

Mạnh trường nào trường ấy thu, mạnh lớp nào lớp ấy thu. Tính sơ sơ, có nhiều trường ở Hà Nội, tiền quỹ phụ huynh các loại lên đến tiền tỷ, thậm chí nhiều tỷ đồng! Vậy mà nếu tính khoản ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động giáo dục cả một năm trời, tiền tỷ là con số mà nhiều trường học ở các địa phương có nằm mơ cũng chẳng bao giờ có!

Trong luật, một tổ chức không tồn tại thì đương nhiên, luật cũng sẽ không có điều khoản nào quy định quy cách tổ chức hoạt động của tổ chức đó. Và dĩ nhiên, việc thu chi của những nhóm người tự phát ấy luật cũng sẽ không với tới.

Vậy là đẻ ra các quy định mà nội dung chủ yếu của các quy định ấy liên quan trách nhiệm của các cơ sở giáo dục khi được thụ hưởng đóng góp từ những tập thể phụ huynh. Liên quan lợi ích của các trường, nhất là trong bối cảnh nhà nước kêu gọi “xã hội hóa” các nguồn lực chi giáo dục, việc các quy định hết mở ra lối này đến lối khác cho các cơ sở giáo dục âu cũng là điều dễ hiểu.

E rằng, dù Bộ có tiếp tục ban hành các văn bản chấn chỉnh lạm thu nhưng trong trạng thái “con cá rô cũng tiếc, con cá diếc cũng thèm”, phụ huynh vẫn tiếp tục đắng lòng nộp các khoản tự nguyện, và niềm tin vào hệ thống quản lý tài chính trong giáo dục vốn đã ít ỏi nay ngày càng thêm mất mát!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.