> Làm ngơ trước thực tế giáo dục
> Bản nháp vội vàng?
Trên thực tế, gần như chỉ những tiết học có tính chất trình diễn (cấp trên dự giờ, chuyên đề, hội thi...), học sinh mới được thụ hưởng các phương pháp dạy học hiện đại. Còn lại, dạy chay học chay, thầy đọc - trò chép... được tận dụng tối đa, từ lớp học chính ra lớp học thêm tới các lò luyện thi, bởi lý do đơn giản, đây là cách dạy học hiệu quả nhất để ứng phó với các kỳ thi.
Tâm lý học để ứng thí luôn được các nhà quản lý giáo dục nhắc đến như một sự cản trở tiến trình nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng luôn bày tỏ khát vọng đổi mới công tác thi cử, đánh giá trong các hội thảo nhưng đổi mới bằng cách nào, chưa chuyên gia nào hiến được kế đặc sắc.
Trong khi chờ đợi phép thần từ đôi đũa của các cấp quản lý vĩ mô, thi cử như hoa cỏ mùa xuân nở rộ trên cánh đồng giáo dục. Từ lớp 1 đến lớp 12, ở đâu có cơ hội là ở đó có thi: Thi vào lớp 1, thi vào lớp chọn từ lớp 2 đến lớp 12, thi vào trường chuyên, thi vào lớp 10 THPT, thi tuyển ĐH - CĐ...
Vì thi mà trong học đường hình thành hai nhóm môn học chính và phụ. Giáo viên môn phụ thì rầu rĩ bởi vật giá leo thang. Giáo viên môn chính thì tất bật chạy sô. Cũng vì thi mà nhiều cơ sở toát mồ hôi tìm cách đối phó với các quy định của trên.
Cũng vì thi mà trên nhiều khi lờ như không biết. Dẫu có biết cũng chẳng để làm gì khi vi phạm không phải là hy hữu, lực lượng kiểm tra không có, chế tài xử lý không nghiêm, đã vậy căn cứ để xử lý cũng gặp nhiều khó khăn khi các văn bản quy định thường thiếu chặt chẽ, thiếu tường minh.
Trong xu hướng hội nhập, nhận thức của các nhà giáo dục ngày càng tiệm cận quan điểm giáo dục văn minh. Khẩu hiệu học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình được nhắc nhiều trong các hội thảo về giáo dục. Nhưng bên ngoài phòng hội thảo, tình trạng loạn thi, loạn các giá trị trong giáo dục vì thi vẫn sống một cách mạnh mẽ trong xã hội.