> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tạo niềm tin, nghị lực phi thường
> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Hết thảy vì lợi ích nhân dân
Lê Nguyễn Nhật Linh (bút danh Linh Kô I), 20 tuổi, nổi đình đám trên mạng khi đang là sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền đã giữ vai trò Giám đốc sáng tạo của Skybooks và nhiều công việc liên quan tới truyền thông khác với thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng. Nhật Linh chia sẻ tinh thần Điện Biên quyết chiến thắng, vượt qua khó khăn luôn có trong giới trẻ hiện nay.
Tinh thần quyết chiến, quyết thắng
Nhiều người cho rằng giới trẻ bây giờ thiếu vắng tinh thần Điện Biên Phủ quyết chiến quyết thắng, “máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”. Nhật Linh nghĩ sao về điều này?
Tôi có niềm tin vào thế hệ tôi, những người trẻ nhiệt huyết và đam mê, luôn hừng hực khí thế quyết chiến, quyết thắng. Đó là quyết chiến với khó khăn, với thử thách và những áp lực, để quyết thắng với chính mình, quyết thắng trước những cái tốt, cái ác giăng bẫy cám dỗ |
Thế hệ chúng tôi sinh ra ở thời bình, sống trong đầy đủ vật chất nhưng vẫn còn một bộ phận giới trẻ nhiều lúc thiếu ý chí và khát vọng, hờ hững với tất cả.
Tất nhiên, sự thực là thời thế đã thay đổi, đất nước đã an bình, nên những hình ảnh “máu trộn bùn non” chỉ còn mang tính chất biểu tượng. Tôi có niềm tin vào thế hệ tôi, những người trẻ nhiệt huyết và đam mê, luôn hừng hực khí thế quyết chiến, quyết thắng.
Đó là quyết chiến với khó khăn, với thử thách và những áp lực, để quyết thắng với chính mình, quyết thắng trước những cái xấu, cái ác giăng bẫy cám dỗ. Ai cũng bảo, nói thì dễ, làm mới khó. Nhưng nếu không dám nói ra, thì ai chắc sẽ đủ can đảm làm? Tại sao không nghĩ mỗi lời nói là một lời hứa thực hiện.
Những người trẻ sinh ra thời hậu chiến, chỉ biết đến chiến tranh qua sách báo, phim ảnh, tư liệu lịch sử nhưng họ vẫn cảm nhận được những mất mát đau thương và tự hào về chiến công vẻ vang của cha anh. Nếu có lúc nào đó bạn trẻ yếu ý chí và hờ hững thờ ơ với diễn biến xung quanh thì tôi nghĩ rằng đó chỉ là chốc lát thôi.
Khi nhìn tháng ngày lãng phí trôi đi, thấy cuộc sống tẻ nhạt và bản thân vô vị, chính bạn trẻ sẽ tự băng qua bụi rậm, tìm đường đi để làm mới tất cả, vươn lên khẳng định.
Nhà thơ Chế Lan Viên có câu thơ nổi tiếng: “Lũ chúng con ngủ trong giường chiếu hẹp. Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”, phải chăng nhiều bạn trẻ chỉ đang lo nghĩ cho những đời thường cá nhân họ, mà ít quan tâm đến thời cuộc đất nước?
Đâu chỉ riêng người trẻ, có rất nhiều người bận rộn với cuộc sống riêng mỗi ngày, với những cơm áo gạo tiền quanh năm suốt tháng. Nhưng không thể trách nhau ích kỉ. Cuộc đời sẽ quẩn quanh nếu không biết nhìn thật xa và nghĩ thật dài.
Nếu không chăm lo thật tốt cho riêng mình, cho gia đình mình sao có thể toàn tâm cho cộng đồng, xã hội? Sự hy sinh phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Tôi nghĩ, người trẻ nỗ lực vì ước mơ riêng của họ, mong muốn một ngày nào đó những giấc mơ nhỏ trở thành hiện thực có ý nghĩa lớn.
Cùng bắt tay hành động
Trên cộng đồng mạng, nhiều bạn trẻ truyền tay nhau thông điệp tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng hành động thiết thực, dựng xây đất nước, bạn nghĩ sao về điều này?
Đại tướng đã ra đi rồi, hãy để niềm thương tiếc không chỉ còn là nước mắt mà trở thành hành động. Tôi nghĩ, từng bạn trẻ, hãy bắt tay ngay lúc này, nỗ lực hết sức mình hiện thực ước mơ của chính mình. Những ước mơ nhỏ, gộp lại với nhau sẽ mang ý nghĩa lớn, ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng xã hội. Đừng từ bỏ con đường, mà hãy từng bước chinh phục khó khăn.
Bạn từng được nhắc tên trong nhiều bài thi Đại học khối C và D năm vừa qua như một tấm gương sáng trong giới trẻ. Bạn có nghĩ nhiều bạn trẻ mải lo việc riêng mà quên hướng tới cộng đồng, khó làm nên một Điện Biên?
Điều đó không đúng, tôi nghĩ để làm những việc lớn cần xuất phát từ những việc nhỏ và làm tốt việc của cá nhân mình trước. Tôi tin là có nhiều bạn trẻ như tôi, cố gắng hết mình để lo tốt cho bản thân mình để có thể đủ sức, đủ lực, đủ tâm huyết lo nghĩ cho cộng đồng, xã hội. Khi đôi chân mình khỏe mạnh sẽ biết xót xa trước những đôi chân khuyết thiếu, sẽ không vô tâm bỏ mặc, sẽ không bất lực chỉ biết đứng nhìn trong thương cảm.
Bạn nghĩ thế nào khi xã hội có nhiều lo ngại về sự đứt đoạn trong việc tiếp nối những giá trị truyền thống, giá trị văn hóa tinh thần giữa thế hệ cha ông và thế hệ trẻ?
Theo tôi, không nên quá lo ngại, bởi vì nếu có niềm tin, thì đứt gãy đến mấy cũng hàn gắn lại được. Khoảng cách trong các thế hệ có thể xuất phát từ nhu cầu chia sẻ và lắng nghe để thấu hiểu đang bị thiếu. Chỉ cần nhu cầu đó được đề cao thì các giá trị tinh thần, văn hóa chắc chắn sẽ được gìn giữ, tiếp nối, phát triển bền vững.
Giới trẻ có khao khát khám phá và học hỏi, chỉ cần thế hệ cha anh đủ kiên nhẫn chia sẻ. Ngược lại, khi những người trẻ cần thể hiện suy nghĩ thì những người lớn cũng cần lắng nghe. Hãy tin người trẻ có thể làm được một điều gì đó cho tương lai, như thời còn trẻ, các bậc cha anh từng cố gắng.
Cảm ơn Nhật Linh!
Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, Lê Nguyễn Nhật Linh đã làm thơ: “Con vừa đi qua phố” khiến nhiều người xúc động, trong đó có những câu: “Trưa nay con vòng xe chạy chậm qua con phố Hoàng Diệu/Mà chỉ muốn dừng lại bưng chặt mặt úp nước mắt vào lòng bàn tay/Phải sống, phải tranh đấu, phải cống hiến vì đất nước, vì hàng triệu con người/Trọn vẹn cả một cuộc đời/ Mới hàng người đưa tiễn Người dài nối ngày lẫn đêm như thế chứ /Những bó hoa tươi mà như ứa khóc. Người à!/Có phải là Người đã thì thầm vào tai con, khi cơn gió căng vút thổi:/”Đừng trách thời gian tàn nhẫn. Ai cũng chỉ có một vòng đời để sống/Hãy nhớ về sự hữu hạn của tháng năm. Mà sống và yêu thương...”. |
Phùng Nguyên