Gốc là gia đình

Một fan nữ Việt khóc vì thần tượng Hàn
Một fan nữ Việt khóc vì thần tượng Hàn
TP - Chúng tôi nhận được bài viết của tác giả Trần Khánh Chung trao đổi về hai bài viết trên Diễn đàn. Theo tác giả này, việc định hướng cho giới trẻ hiểu đúng, thần tượng đúng thì vai trò của cha mẹ, gia đình là rất quan trọng!

> Mẹ, thần tượng của tôi
> Tâm sự của một fan nữ từng đánh nhau vì thần tượng Big Bang

Tiền Phong số 3 và 4 (ngày 3 và 4-1-2013) có hai bài: “Tôi sợ con mình bị cuốn đi” và “Tâm sự của một fan nữ từng đánh nhau vì Big Bang”. Tôi tâm đắc hai bài báo này vì nó như hai mặt của vấn đề Thần tượng!

Đại tá Nguyễn Hữu Luận sợ con gái mình bị cuốn đi trong “cơn lốc” dư luận và những xô lệch về giá trị (khi Ngọc Trinh - Nữ hoàng đồ lót bị dư luận đẩy lên như một “thần tượng”, coi việc sống nhờ, sống gửi vào đại gia là “niềm tự hào”.

Trong khi đó, bài viết của đạo diễn Lê Hoàng cứ như cổ vũ cho Ngọc Trinh và khuyên các cô gái nếu muốn được đàn ông chiều chuộng chăm bẵm thì phải dại khờ “càng ít trí tuệ thì càng hạnh phúc”).

Còn tác giả Dương Ngọc Ánh 17 tuổi tâm sự mình vừa trải qua cơn cuồng thần tượng (nhóm nhạc Hàn Quốc Big Bang, từng cầm kiếm chém bạn vì dám chê thần tượng của mình), nhưng đã “ngộ” ra!

Gốc vấn đề ở đây là gì? Vấn đề định hướng thần tượng và những giá trị khác cho con em mình, chúng ta trông cậy vào điều gì ở xã hội?

Tôi cho rằng, gốc là ở gia đình! Việc đại tá Luận lo lắng khi con gái nói rằng, không cần học, chị Ngọc Trinh chỉ cần xinh đẹp và ngốc nghếch là có người lo, nhiều tiền và nổi tiếng.

Ông tỏ ra bất lực quá sớm khi chưa tìm ra cách để thay đổi con gái mình. Vậy phải làm gì? Có lẽ có 1001 cách. Có thể việc đầu tiên ông Luận nên làm là cải thiện mối quan hệ bố con vốn có khoảng cách rất rộng (thường là do ta tạo ra- ít có cái gọi là khoảng cách thế hệ).

Hãy làm bạn với con. Nói thì dễ, nhưng để làm bạn với đứa 17 tuổi là cả nghệ thuật, cần có phương pháp và tinh tế (nhưng trước hết bố phải gần gũi, có thông tin để không bị lạc hậu khi nói chuyện với con). Có thể bắt đầu cải thiện bằng các buổi xem phim, dã ngoại, mua sách, trò chuyện, thảo luận vấn đề mà hai bố con quan tâm.

Nên tiếp cận từ xa, đừng để con hiểu mục đích chính của mình là thay đổi nó theo cách của mình. Hãy để con người đùa với mình, cảm kích những việc làm của mình rồi hãy tác động để con hiểu. Điều mà các ông bố bà mẹ thường mắc phải là vội vàng, phản ứng thái quá do lạm quyền cha mẹ, khiến các cháu phản ứng ngược. Điều này nên tránh!

Tôi cho rằng, cách mà mẹ cô bé Dương Ngọc Ánh sử dụng để cảm hóa con gái thật sự rất ấn tượng. Ánh kể, mẹ ban đầu không biết cô thần tượng Big Bang.

Chỉ khi vào phòng mới phát hiện khi thấy cô dán nhiều ảnh Bing Bang (tôi nghĩ rất có thể mẹ của Ánh đã biết mọi chuyện, kể cả việc cô cầm dao đuổi nhóm bạn ở gần nhà) nhưng bà mẹ này đã chọn cách tiếp cận rất “mượt” để hiểu và định hướng cho con.

Cô trò chuyện cùng con và nghe nhạc Big Bang cùng con. Như tâm sự của Ánh, mẹ khuyên Ánh thần tượng ai đó không có gì xấu nhưng đừng làm những hành động phản cảm. Và Ánh thú nhận là cô đã nghe lời mẹ.

Từ đó cô bé thay đổi, không cuồng nữa, biến việc yêu và, nhạc Big Bang thành cơ hội học tiếng Anh, và tổ chức các fan đi làm từ thiện.

Bài học không có gì cao siêu, không ở đâu xa xôi cả mà nằm ngay câu chuyện của chúng ta vừa nêu. Các bậc phụ huynh hãy bình tĩnh, tiếp cận và định hướng. Đừng có đổ lỗi là “chúng nó khác lắm”, đừng chưa làm gì mà kiến nghị xã hội giải quyết giúp mà hãy làm những gì có thể để giúp con mình, ngay tại nhà mình, bằng tình yêu thương.

Những cơn sóng hâm mộ ca sỹ, diễn viên Hàn Quốc mới đây khiến chúng ta có đôi chút hốt hoảng khi chứng kiến những hình ảnh fan khóc thét, ngất xỉu, đổ máu, cấp cứu… trong một số buổi biểu diễn. Không chủ quan, không bảo thủ khi nói rằng, có một bộ phận người trẻ đang lệch lạc thần tượng và tạo ra những hiệu ứng không tốt. Qua diễn đàn này mong bạn đọc cùng chia sẻ, trao đổi và cùng hướng tới xây dựng một “văn hóa thần tượng” lành mạnh.

Hãy chia sẻ câu chuyện, quan điểm, ý kiến, sáng kiến… của bạn với Diễn đàn qua thư điện tử: Thegioitre@tienphong.vn hoặc Ban Thanh niên, báo Tiền Phong - 15 Hồ Xuân Hương, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Trần Khánh Chung
Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.