Cơn khát... vũ trụ trong giới trẻ

Cơn khát... vũ trụ trong giới trẻ
TP - Tại Việt Nam, ngành thiên văn, vũ trụ chưa phát triển, cơ sở nghiên cứu đào tạo ngành này vẫn còn hiếm nên "cơn khát"... vũ trụ trong giới trẻ ngày càng được nhân lên.

>Thi bắn tên lửa nước

Chưa bao giờ các CLB, hội, nhóm thiên văn, vũ trụ... lại bùng nổ trong giới trẻ một cách tự phát nhiều như hiện nay.

Phòng nghiên cứu không gian, Fspace (Đại học FPT) thành lập 3 năm nay, là địa chỉ thu hút đông đảo bạn trẻ có ước mơ chinh phục vũ trụ tìm đến. Trưởng phòng Fspace FPT, Vũ Trọng Thư (SN 1982) gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2011, với dự án chế tạo vệ tinh nhỏ F-1 CubeSat đang làm nức lòng giới trẻ Việt vì nó có thể mở ra hướng phát triển ngành khoa học và công nghiệp vũ trụ của Việt Nam.

F-1 được nghiên cứu và chế tạo từ năm 2009, với mục tiêu phải sống được trong không gian ít nhất một năm và phát tín hiệu về Trái đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp của trái.

Với phương châm Thiên văn không khoảng cách, HAAC không chỉ kết nối hàng ngàn bạn trẻ yêu thiên văn xích lại gần nhau mà còn vươn tầm thế giới. CLB đang là điều phối viên quốc gia của tổ chức Các nhà thiên văn không biên giới (Astronomers Without Borders).

Để giúp giới trẻ có sân chơi sáng tạo về khoa học vũ trụ, mới đây CLB Thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS) phát động cuộc thi bắn tên lửa nước tại 20 trường học ở Hà Nội. Dự kiến chung kết cuộc thi diễn ra cuối tháng 5 - 2012.

Các thành viên HAS sẽ tổ chức hướng dẫn những bước cơ bản để làm một tên lửa nước, sau đó tùy sự sáng tạo, các em sẽ sáng chế các tên lửa nước độc đáo để tranh tài tại vòng chung kết.

Theo Trương Ngọc Khánh, Chủ nhiệm HAS, nhiều em có niềm đam mê đặc biệt với bộ môn này, nhưng loay hoay không biết tìm cho mình sân chơi ở đâu. Khánh lên kế hoạch sau cuộc thi này sẽ thành lập một số CLB trực thuộc ở các trường THPT ở Hà Nội, đầu tiên là trường THPT chuyên Amsterdam. HAS đang là sân chơi của đông đảo giới trẻ khu vực phía Bắc, với sự tham gia thường xuyên của hơn 200 thành viên, trong đó phái nữ chiếm gần nửa.

Đặng Tuấn Duy, SN 1985 (quê Bảo Lộc, Lâm Đồng), Chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TPHCM (HAAC), có sức hút đặc biệt với những câu chuyện về trăng, sao, vũ trụ… Từ nhỏ, Duy đã mê thiên văn, nhưng hồi đó tài liệu về lĩnh vực này còn hiếm.

Duy được bố hướng dẫn kiến thức cơ bản về các chòm sao, hành tinh, phương hướng ngắm các dãy ngân hà… Lên lớp 7, Duy tự sưu tầm được một số cuốn sách về thiên văn. Khi lên TPHCM học ĐH, Duy có cơ hội tiếp cận nhiều tài liệu sách báo.

Qua các diễn đàn mạng, Duy kết nối với thành viên cùng sở thích sáng lập HAAC. Sau 4 năm ra đời, hiện HAAC được xem là CLB thiên văn lớn nhất nước với khoảng 7.000 thành viên online và gần 200 người offline thường xuyên. “Để cùng nhau chia sẻ con đường đến với bầu trời xa xăm và huyền diệu, CLB tổ chức các lớp học thiên văn, hội trại quan sát các sự kiện, sáng chế các loại kính…”, Duy tâm sự. Chỉ cần nổi hứng là các thành viên trong nhóm lại lỉnh kỉnh đồ nghề rủ nhau đi khám phá vũ trụ.

Lần đi quan sát gần đây nhất của CLB là ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu (Phước Bửu, Bà Rịa-Vũng Tàu) trong hai ngày với sự tham gia của 80 bạn trẻ, trong đó nhiều bạn nữ. Đây là một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất của CLB, các thành viên quyết định trải bạt ngủ ngoài trời để chộp được những khoảnh khắc đẹp nhất của các vì sao.

Nhảy xe đò từ Đồng Tháp lên cùng tham gia chuyến đi với CLB, Thanh Trí, SN 1995, cho biết thường xuyên liên hệ với HAAC để được tham gia các sự kiện và tự mày mò sáng chế kính thiên văn để khám phá bầu trời.

Quan sát và sáng chế

Để phục vụ hoạt động quan sát, khám phá bầu trời, các thành viên trong CLB Thiên văn nghiệp dư TP HCM tự sáng chế nhiều loại kính thiên văn, trong đó có 2 kính thiên văn D-250 mm (đây là kính tự chế có đường kính lớn nhất Việt Nam hiện nay), 4 kính thiên văn D-150 mm. Riêng chiếc kính D-250 mm cả nhóm tập trung làm mất hơn 1 năm.

Chiếc kính này được mang sang Philippines, Indonesia quan sát và được đánh giá cao về chất lượng hình ảnh. Điều đáng nói, chiếc kính này có giá chỉ bằng 1/3 kính nhập khẩu.

Theo Thế Phúc, trưởng nhóm kỹ thuật của HAAC, để làm được một chiếc kính thiên văn ngoài tay nghề cần phải có tâm huyết và niềm đam mê nếu không sẽ nản ngay, bởi nó đòi hỏi sự tỷ mẩn, kiên trì.

Năm 2011, Trương Ngọc Khánh, chủ nhiệm HAS cho ra lò kính thiên văn D- 250 mm. Chiếc kính trở thành cục cưng của cả CLB, được các thành viên sử dụng với tần suất tối đa, bởi chất lượng hình ảnh tốt, có thể quan sát rõ hơn các chi tiết của vật thể ở xa. Không dừng lại ở đó, Khánh cùng nhóm kỹ thuật của CLB (gồm 20 thành viên) đang tiến hành sáng chế tiếp kính thiên văn khủng D-410 mm.

Nhóm đã hoàn thành xong bản thiết kế, đang tiến hành mài gương. Theo Khánh, đây là công đoạn khó khăn, đòi hỏi sự tỷ mẩn, chính xác và chiếm nhiều thời gian nhất, bởi nhóm tiến hành mài gương hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.

“Để hoàn thành được chiếc kính này phải mất ít nhất 3 năm làm việc cật lực. Nếu thành công, đây sẽ là chiếc kính có đường kính lớn nhất Việt Nam với chi phí chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng, rẻ hơn 10 lần so với một chiếc kính nhập khẩu tương tự”, Ngọc Khánh cho biết.

HAAC trong một lần đi quan sát tại Bình Châu (Đồng Tháp)
HAAC trong một lần đi quan sát tại Bình Châu (Đồng Tháp).

Truyền lửa

Bằng đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, các thành viên trong HAAC đang thực hiện nhiều dự án thiết thực với hy vọng sẽ lan tỏa được đam mê chinh phục bầu trời trong giới trẻ Việt Nam. Công việc chính của Duy là nhân viên kinh doanh của một ngân hàng khá bận rộn, nhưng luôn tranh thủ thời gian dịch tài liệu về thiên văn để đăng lên diễn đàn.

Dự kiến trong năm nay, nhóm của Duy sẽ hoàn thành cuốn sách biên dịch: Cẩm nang thiên văn. Cuốn 88 chòm sao do nhóm biên soạn đã đi được gần nửa chặng đường. CLB đang phối hợp với CLB Thiên văn ĐH Bách khoa Đà Nẵng, HAS thực hiện dự án dịch từ điển thiên văn dự kiến kéo dài 5 năm. Tất cả những dự án trên đều do các thành viên HAAC bỏ tiền túi ra thực hiện.

Mỗi dịp hè HAAC và HAS đều tổ chức các lớp học thiên văn miễn phí cho bạn trẻ yêu thích thiên văn. Lớp học diễn ra trong 6 buổi, do chính các thành viên của CLB đứng lớp nhằm truyền đạt những kiến thức cơ bản về thiên văn, khoa học vũ trụ, dạy kỹ năng quan sát, làm tên lửa nước.

Bén duyên nhờ ... bầu trời

Từ cơn say vũ trụ, không ít thành viên trong các CLB thiên văn đã bén duyên nhau như Nguyễn Hải Triều, Phan Thị Trang (HAS); Nguyễn Tuấn Anh, Quỳnh Phương Loan... Sau hai năm sống chung dưới mái nhà HAAC Nguyễn Anh Tuấn và Quỳnh Phương Loan đã xây lên một tổ ấm hạnh phúc. Hiện Tuấn Anh, Phương Loan vẫn là những thành viên tích cực của HAAC. Những ngày đầu HAAC mới thành lập, còn nhiều khó khăn Tuấn Anh và Phương Loan đã tình nguyện dốc hầu bao hơn 2.000 USD mua kính thiên văn D-278 mm tặng CLB làm của chung.

Lưu Trinh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG