Nuôi trong 'lồng kính' là triệt tiêu tương lai con trẻ

Nuôi trong 'lồng kính' là triệt tiêu tương lai con trẻ
TP - Bỏ mặc hay nuông chiều, chăm sóc con cái thái quá đều dẫn đến hậu quả lớn trong quá trình giáo dục nhân cách thanh niên, TS Phạm Hồng Tung (ĐH Quốc gia Hà Nội) trao đổi xung quanh vấn đề này.

> Báo động suy thoái đạo đức trong giới trẻ

TS Phạm Hồng Tung. Ảnh: P.H
TS Phạm Hồng Tung. Ảnh: P.H.
 

Thưa TS, vai trò của gia đình, nhà trường thế nào đối với sự phát triển nhân cách của thanh niên khi họ tự thử nghiệm hoặc trải nghiệm?

Việc các bạn trẻ cần được trải nghiệm và tự trưởng thành thông qua quá trình đó là tất yếu. Vấn đề là chúng ta can thiệp thế nào đến quá trình trải nghiệm đó để thúc đẩy những xu hướng phát triển nhân cách tích cực và lành mạnh, hạn chế những xu hướng tiêu cực.

Cần lưu ý rằng, thử nghiệm hay trải nghiệm sẽ có cả thành công và thất bại. Nếu giới trẻ vượt qua thử nghiệm và đạt được thành công, tự xây dựng được những xu hướng lối sống tích cực thì đương nhiên họ cần được cổ vũ, ủng hộ.

Nhưng nếu họ nhất thời chệch hướng, lệch chuẩn, phạm sai lầm hoặc có thể bị thất bại thì cũng đừng vội ném đá họ, làm họ thêm mất lòng tin và họ sẽ sa vào những trạng thái khủng hoảng.

Với những bạn trẻ có cách thể hiện lệch chuẩn nên ứng xử ra sao?

Điều đáng buồn là một số thử nghiệm của bạn trẻ hơi khác người ví như một vài lần học sinh mang trò chơi điện tử vào lớp, đánh nhau, mặc quần áo hở hang…bị lên án và quy chụp là đồ bỏ đi, xấu xa.

Những thử nghiệm đó nếu bạn trẻ bị xử phạt rất nặng bạn trẻ đó sẽ bị gạt ra ngoài lề cuộc sống, rất dễ dẫn đến buồn chán, chểnh mảng. Không ít em có ý định tự tử và đã tự tử, thậm chí là bỏ nhà đi bụi hoặc tự tử tập thể chỉ vì những áp lực tâm lý do người lớn, do “xã hội người lớn” gây ra sau những sai lầm hay thất bại nho nhỏ của các em.

Theo TS, cách hỗ trợ của các gia đình hiện nay với giai đoạn thử nghiệm, khủng hoảng của trẻ hiện nay có những dạng nào, thể hiện ra sao?

Cách hỗ trợ điển hình của các gia đình hiện nay, theo quan sát của tôi, có thể chia thành 2 loại. Một là bố mẹ mải kiếm tiền, hoặc quá vất vả không quan tâm hoặc không thể quan tâm đến trạng thái khủng hoảng của con cái.

Kết cục cực đoan, tiêu cực nhất là: con cái họ bị cuốn theo những lối sống tiêu cực, bỏ nhà đi bụi, sẽ trở thành những My Sói, hoặc đánh nhau, thác loạn, nghiện hút…

Dạng ngược lại, trong không ít gia đình, cha mẹ quan tâm con cái một cách thái quá và sai lầm: con cái muốn gì họ đều đáp ứng đủ hoặc quá mức cần thiết cả về vật chất và tinh thần. Vô tình họ lấy đi của con cái khoảng thời gian và cơ hội tự vật lộn với trạng thái khủng hoảng, khiến con cái trở thành “gà công nghiệp”.

Những đứa trẻ lớn lên như vậy sẽ bị triệt tiêu khát vọng từ bé. Tôi nhấn mạnh là: Triệt tiêu khát vọng là một cách thủ tiêu tương lai con cái trong quá trình hình thành nhân cách độc lập của chúng.

Xã hội ngày nay đang trải qua nhiều quá trình biến đổi phức tạp. Trong khi đó, ở nhiều gia đình, nhất là trong các gia đình khá giả, có ít con thì con cái luôn sống trong “lồng kính”. Từ bé, con cái muốn gì cũng được cha mẹ đáp ứng. Không ít bé gái 3 tuổi nhưng có cả phòng riêng với hàng trăm thú nhồi bông, bé trai có cả kho chứa đồ chơi lắp ghép, điện tử giá trị bằng gia tài của một gia đình khác.

Sau đó, những đứa trẻ này phải học thêm, học suốt ngày không còn thời gian tiêu hóa kiến thức và nhận thức chính bản thân mình. Hiệu quả của việc học nhiều kiểu này được ví như nước đổ lá khoai, trong khi bố mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng vào con cái. Đây là mâu thuẫn khiến con cái bị triệt tiêu khát vọng và luôn cảm thấy chúng vô tích sự.

Theo TS, việc bỏ mặc hoặc quan tâm quá mức đối với sự phát triển của thanh niên sẽ gây hậu quả thế nào?

Gia đình giàu có, quan tâm con cái quá mức nguy hiểm không kém gì xu hướng các gia đình bố mẹ mải mê kiếm tiền, hoặc quá vất vả không quan tâm, buông lỏng con cái. Ngày càng xuất hiện nhiều nhóm thanh niên và vị thành niên không vượt qua được những trạng thái khủng hoảng và trở thành những nhân cách yếu, không có sức đề kháng xã hội, không hoàn thiện nhân cách.

Khi những con gà công nghiệp ấy phải tự bơi với cuộc sống sẽ sớm thất vọng với cuộc sống và từ thất vọng sẽ sinh ra những thứ đổ vỡ khác như: chán đời, tự tử hoặc gây tội ác đặc biệt nghiêm trọng…

Cho nên không có gì ngạc nhiên khi trong một số vụ thanh niên phạm tội ác kinh hoàng vừa qua, bên cạnh có những phần tử giang hồ từ bé thì có cả những “con ngoan trò giỏi”.

Theo khảo sát của chúng tôi thì cũng có không ít trẻ em ngoan bỗng dưng đi bụi hoặc dễ dàng nhiễm tệ nạn xã hội, phạm tội là do cả 3 yếu tố gia đình, nhà trường, xã hội đã không tạo điều kiện để cho các em được trải qua thời kỳ không thể tránh là các trạng thái khủng hoảng.

Đó là quá trình xã hội hoá nhân cách, quá trình tương tác giữa cá nhân và xã hội để con người lớn lên không chỉ về thể chất mà còn là tinh thần. Đó là quá trình nỗ lực của chính cá nhân với sự tương tác của môi trường xã hội.

Nguyên cớ gì khiến TS cảnh báo về hiện tượng cha mẹ quan tâm thái quá đến con cái?

Chăm sóc con cái thái quá trong các gia đình giàu có đang là cái mới hình thành trong xã hội nước ta hiện nay, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Và người ta cứ tưởng quan tâm càng nhiều càng tốt. Nhưng khi trẻ bị o bế nhiều quá thì triệt tiêu khát vọng.

Điều đáng tiếc là chuyện ấy phần lớn lại diễn ra ở gia đình có điều kiện vật chất và yêu thương con cái thật lòng chứ không phải bỏ mặc con cái. Họ yêu thương sai cách. Họ đã không đặt ra vấn đề ngày trước mình trưởng thành nhờ đâu? Khá nhiều gia đình giàu có nhưng không biết cách dạy con cái tự lập.

Họ mắc chứng yêu thương con cái thái quá. Nguyên nhân phần lớn là bất cập về trình độ, chăm chút về điều kiện vật chất nhưng đó là khoản đầu tư sai và hậu quả là khôn lường.

Không được nuôi dưỡng khát vọng

Tôi muốn nhấn mạnh đến xu hướng gối ôm (cha mẹ chăm sóc thái quá) để mọi người cảnh giác hơn về hậu quả triệt tiêu khát vọng trong quá trình phát triển nhân cách của con cái. Trẻ em trong gia đình bị quan tâm quá mức tức là không được nuôi dưỡng khát vọng chứ chưa nói có khát vọng đâu mà triệt tiêu.

Phương Hiếu thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.