Là tuyến cao tốc đang có lưu lượng phương tiện vào hàng cao nhất miền Bắc, tại trạm thu phí đầu vào tại Thường Tín (Hà Nội) có 18 làn thu phí, trong đó có 5 làn thu phí tự động không dừng – ETC, tuy nhiên, ở phía cuối của tuyến tại Cao Bồ (Nam Định), lại chỉ có 1 làn ETC cho mỗi chiều ra vào. Do số làn thu phí ETC bố trí quá ít, và có tính chất “độc đạo”, dẫn đến những ngày qua, khi phương tiện tăng cao tại làn thu phí ETC đã xảy ra tình trạng ùn tắc. Trong chiều thứ 6 cuối tuần qua ùn ứ đã xảy ra với chiều từ Hà Nội về Ninh Bình, còn chiều Chủ nhật (ngày 26 Tết) ùn tắc đã xảy ra với chiều từ Ninh Bình đi Hà Nội. Tình trạng này xảy ra khi các làn thu phí truyền thống không ùn tắc.
Điều này cũng xảy ra tương tự với các trạm thu phí Thường Tín, Vạn Điểm, Đại Xuyên, Vực Vòng, Liêm Tuyền… Ghi nhận ùn tắc tại các làn thu phí ETC tại trạm Cao Bồ và những trạm trên trong mấy ngày qua chúng tôi thấy rằng, do chỉ có một làn duy nhất nên khi gặp xe di chuyển đông, đến trạm phải dừng chờ nhau gây ùn ứ, cùng với đó khi phương tiện đi qua làn ETC xảy ra một số sự cố như thẻ không thanh toán được, xe chưa dán thẻ không dừng đi vào dẫn đến làn ETC bị tê liệt.
Ngoài các nguyên nhân này, do vào ban đêm, đèn tại làn thu phí ETC không được chiếu sáng thường xuyên, phương tiện qua trạm rất khó phân biệt đâu là làn ETC đâu là làn truyền thống. Nhiều vụ xung đột, va chạm giao thông tại đây đã xảy ra khi phương tiện đi nhầm vào các làn thu phí giữa hai loại hình rồi dừng xe đột ngột.
Đại diện Đội CSGT số 7, Cục CSGT, Bộ Công an (đảm bảo trật tự giao thông trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình) cho biết, để đảm bảo giao thông, đặc biệt là chống các sự cố có thể làm tê liệt làn ETC, tại mỗi chiều thu phí nên lắp đặt ít nhất tối thiểu 2 làn. Tại trạm Cao Bồ lượng phương tiện vào hàng lớn nhất cả nước chỉ có 1 lần là chưa phù hợp.
Chỉ 1 làn ETC là chưa đúng yêu cầu
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, với lượng xe và tiêu chuẩn đường hiện có theo quy định trạm BOT Pháp Vân - Ninh Bình phải có ít nhất 2 làn thu phí ETC tại mỗi trạm để đảm bảo cho phương tiện qua lại. Theo ông Thắng, việc lắp đặt hệ thống thu phí tự động trên tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình là nhà đầu tư - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC xin chủ trương và bố trí kinh phí triển khai, nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC chỉ chuyển giao công nghệ.
Đánh giá về việc VEC đã và đang triển khai hệ thống thống thu phí không dừng tại trạm các trạm thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, ông Thắng cho biết, chưa theo đúng yêu cầu, do vậy thời gian qua Tổng cục đường bộ liên tục VEC phải lắp đặt, bố trí thêm làn ETC nữa tại đây nhưng đến nay với lý do đang xin chủ trương để tìm nguồn vốn nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện.
Để đảm bảo cho người dân đi lại tại các trạm thu phí dịp Tết Tân Sửu, ông Thắng cho biết, Tổng Cục đường bộ Việt Nam vừa có công điện gửi các đơn vị, bao gồm: Các Nhà đầu tư BOT; Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam; Công ty TNHH thu phí tự động VETC; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, thực hiện một số công việc. Trong đó, cần tăng cường lực lượng; đảm bảo an ninh, trật tự; phân làn, phân luồng và có các giải pháp phù hợp đảm bảo các trạm thu phí hoạt động liên tục, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí; trong trường hợp ùn tắc kéo dài từ 750 mét trở lên phải tiến hành mở trạm để phương tiện qua lại.