Tuyên bố được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 25/3, để trả lời câu hỏi của phóng viên về sự hiện diện của 220 tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu.
Đá Ba Đầu là một rạn san hô hình chữ V có diện tích khoảng 10km2, chỉ nổi khi triều xuống. Bãi Ba Đầu nằm trên cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 22/3, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuânh Oánh nói rằng, các tàu đánh cá của nước này neo đậu ở đá Ba Đầu để tránh thời tiết xấu. Bà Hoa nói đây là hoạt động “rất bình thường”.
Trả lời câu hỏi về diễn biến này, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại quan điểm Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình được xác lập theo Công ước. Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực”, bà Hằng nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về sự hiện diện của các tàu Việt Nam ở đá Ba Đầu, bà Hằng khẳng định lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ như được quy định trong các luật liên quan của Việt Nam và tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Kịch bản Scarborough
Trước những diễn biến ở đá Ba Đầu, Úc và Nhật Bản là hai nước gần đây nhất lên tiếng bày tỏ quan ngại, cho rằng “những hành động gây bất ổn” này có thể làm gia tăng căng thẳng.
Nhà ngoại giao Úc Steven Robinson chia sẻ trên mạng xã hội Twitter hôm 24/3: “Chúng tôi vẫn quan ngại về những hành động gây bất ổn”. Ông Robinson khẳng định: “Úc ủng hộ một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương an toàn, rộng mở và bao trùm. Biển Đông, một tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, được quản lý bởi các nguyên tắc và luật lệ quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”.
Trước đó, tối 23/3, Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Koshikawa Kazuhiko phát biểu: “Những vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định cũng như mối quan ngại đối với tất cả các nước. Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng. Chúng tôi ủng hộ việc thực thi pháp trị ở vùng biển này và hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ vùng biển tự do, rộng mở và hòa bình này”.
Việt Nam lần thứ hai làm chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ
Trong tháng 4, Việt Nam sẽ lần thứ hai đảm nhận vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ). Với tư cách chủ tịch, Việt Nam sẽ thúc đẩy 3 chủ đề ưu tiên: khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hoà bình bền vững; tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột; bảo vệ hạ tầng thiết yếu cho cuộc sống của người dân trong xung đột vũ trang.