Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh vừa có văn bản gửi Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc EVN thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo cung ứng đủ điện trong thời gian cao điểm năm 2024, 2025 và các năm tiếp theo, bảo đảm không để thiếu điện trong bất kỳ trường hợp nào.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng yêu cầu EVN xây dựng các kịch bản chi tiết trong tình huống thời tiết nắng nóng cực đoan (liên tục từ 3 ngày trở lên) hoặc tình huống xảy ra sự cố các nguồn điện quan trọng có nguy cơ gây thiếu hụt cục bộ công suất đỉnh ở một số thời điểm nhất định, dẫn đến nguy cơ phải sa thải phụ tải điện.
EVN cần xây dựng các kịch bản phối hợp với các đơn vị thành viên, tạo sự đồng thuận với khách hàng sử dụng điện, rút kinh nghiệm sâu sắc bài học cung ứng điện năm 2023. Cùng đó, tập đoàn phải thực hiện tất cả các giải pháp phù hợp, khả thi để bảo đảm cung ứng đủ điện trong mọi tình huống, trong đó, tiếp tục rà soát, dự báo nhu cầu phụ tải điện sát thực tế, đánh giá tình hình có thể phát sinh thiếu điện, để có thể áp dụng các biện pháp phù hợp.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu EVN lên kế hoạch cụ thể, không để xảy ra thiếu điện. |
“Chỉ đạo các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý của tập đoàn làm tốt công tác chuẩn bị sản xuất, bảo đảm có thể huy động tối đa công suất phát điện trong những tháng cao điểm mùa khô năm 2024, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu than, khí, dầu đối với các nhà máy nhiệt điện và thiếu hụt nước các hồ thủy điện theo quy trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, văn bản nêu rõ yêu cầu.
Ngoài ra, EVN cũng phải rà soát vật tư, thiết bị dự phòng, mua sắm đầy đủ để đảm bảo thay thế khi có sự cố, xây dựng các phương án, giải pháp liên quan đến việc cung cấp nước làm mát, đảm bảo duy trì hiệu suất của các tổ máy, nâng cao công suất khả dụng tổ máy. Tập đoàn và các đơn vị phải khẩn trương khắc phục sự cố tổ máy S2 Duyên Hải 3, hoàn thành việc nâng cấp các bộ lọc bụi để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn môi trường các tổ máy thuộc dây chuyền 1 - Nhà máy nhiệt điện Phả Lại.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng yêu cầu thu thập số liệu cụ thể, chi tiết về khả năng của các máy phát diesel mượn của khách hàng và có hướng dẫn để các Tổng công ty phân phối thực hiện thống nhất trong toàn tập đoàn.
Về công tác đầu tư xây dựng, EVN tập trung nguồn lực để triển khai nhanh, quyết liệt các dự án nguồn và lưới điện được giao làm chủ đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, đặc biệt, tập trung cao độ, triển khai nhanh nhất các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, đảm bảo tiến độ đóng điện toàn tuyến trước ngày 30/6/2024; phấn đấu hoàn thành các dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào trong tháng 5 năm 2024 như Trạm cắt Đắk Oóc, đường dây 200 kV Nậm Sum - Nông Cống...
“Nghiên cứu, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh khung thời gian của hình thức ba giá (giờ cao điểm, giờ thấp điểm, giờ bình thường) phù hợp với thực tế biểu đồ phụ tải của các tháng mùa khô và các tháng còn lại trong năm; điều chỉnh giá bán điện tương ứng để điều chỉnh hành vi sử dụng điện của các khách hàng, đặc biệt tại các giờ cao, thấp điểm”, văn bản nêu rõ.
Theo ông Nguyễn Quốc Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), với mức độ tăng trưởng như từ đầu năm đến nay dự kiến lượng điện sử dụng toàn quốc sẽ đạt đỉnh điểm tới hơn 1 tỷ kWh một ngày trong những ngày nắng nóng nhất từ nay đến tháng 7, tăng hơn 10% so với hiện tại, kéo theo nguy cơ cho hệ thống khi tất cả các nguồn điện đã được huy động.
Theo tính toán của A0, dự kiến tháng 6, công suất khả dụng của tất cả hệ thống ở miền Bắc chỉ từ 23.900 - 24.500 MW trong khi giờ cao điểm tiêu thụ điện lên tới 25.2450 - 27.480 MW.