Yêu cầu cắt 'đường lưỡi bò', Trần Lương lo cho nghệ sĩ Trung Quốc…

Nghệ sĩ Trần Lương (bên phải) nói với nhà sưu tập Nguyễn Đức Thành (trái) trước giờ khai mạc Polyphony: Southeast Asia tại Trung Quốc: “Tấm poster này chính là một tác phẩm của chúng ta trong triển lãm này!” Ảnh: NVCC
Nghệ sĩ Trần Lương (bên phải) nói với nhà sưu tập Nguyễn Đức Thành (trái) trước giờ khai mạc Polyphony: Southeast Asia tại Trung Quốc: “Tấm poster này chính là một tác phẩm của chúng ta trong triển lãm này!” Ảnh: NVCC
TP - Nghệ sĩ Trần Lương vừa “cắt đường lưỡi bò” trong khuôn khổ triển lãm Polyphony: Southeast Asia - lần đầu tiên giới thiệu tổng thể nghệ thuật đương đại Đông Nam Á tại Nam Kinh, Trung Quốc. Anh tham dự triển lãm với tư cách nghệ sĩ và giám tuyển của đoàn Việt Nam. Từ Trung Quốc, anh có đôi lời chia sẻ với bạn đọc Tiền Phong.

Anh có thể kể lại rõ hơn về hành động khiến công chúng nức lòng của mình?
Khi phát hiện ra lưỡi bò, tôi lập tức thông báo với các nghệ sĩ Đông Nam Á trước vì mọi người không zoom vào chi tiết của poster nên không nhận ra. Mọi người đều nhất trí là phải đề nghị xoá! Trong khi trao đổi, nhiều thông tin cơ bản về đường 9 đoạn (nine dash line) được mọi người chia sẻ. Một ngày sau, tôi thông báo với đối tác Trung Quốc là phải xóa ngay, và xoá hết ở mọi ấn phẩm liên quan thì đoàn Việt Nam mới sang dự. Một số nghệ sĩ Đông Nam Á cũng đồng ý như vậy. Nếu để có gì còn sót lại sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cộng đồng nghệ thuật đương đại Đông Nam Á và Trung Quốc. 

Sự đồng tình của các nghệ sĩ Đông Nam Á là hiển nhiên vì họ cũng muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia. Dĩ nhiên họ khiến tôi ấm lòng nhưng giả dụ không có sự đồng tình ấy, tôi vẫn quyết tâm thực hiện nếu yêu cầu không được đáp ứng.

Lúc đó tôi không chắc là họ sẽ sửa vì nghi là có chủ trương từ trên, tôi đã nghĩ là phải huỷ chuyến đi, cũng tức là hủy nhiều công sức chuẩn bị tác phẩm, kinh phí của triển lãm... Để quyết định như vậy cũng khó khăn lắm, vì tôi biết bên bạn (tức là các giám tuyển và nghệ sĩ Trung Quốc) rất cầu thị và mất nhiều công sức cho triển lãm này. Họ chủ ý muốn bày ra những gì trung thực nhất có thể về tình trạng, thái độ từ Đông Nam Á, thế nên mới có các tác phẩm về tình trạng sông Mekong với cả đống đập thuỷ điện do phía Trung Quốc khơi mào, về sự suy đồi của các tôn giáo sau nhiều thập kỷ bị các thể chế “chỉnh sửa” và bóp méo, và như các tác phẩm của Việt Nam... 

BTC triển lãm dễ dàng đáp ứng yêu cầu của anh? Anh có chút ngạc nhiên về điều này?
Sự phản hồi từ phía Bảo tàng Nanjing (Nam Kinh) là rất tích cực và rõ ràng: Khi tôi nhắc về đường 9 đoạn thì họ (bạn tôi) bảo là xin lỗi, chúng tôi sẽ xoá ngay và xoá hết! Chỉ hai ngày sau toàn bộ ấn phẩm và poster đã có bộ mới và rất sạch! Họ giải thích đường lưỡi bò rất phổ biến ở Trung Quốc, ai cũng nghĩ nó là hiển nhiên (do tuyên truyền và bị biệt lập thông tin), vì thế bộ phận thiết kế tự nhiên đưa vào. Khi tôi gửi cả các đường dẫn về đường 9 đoạn và phản ứng quốc tế từ Malaysia, Philippines… họ hiểu ra và sửa. Tôi không chắc là có chủ trương cài từ trên hay không, nhưng những người làm việc trực tiếp với các nghệ sĩ Đông Nam Á rất cầu thị!

Tất nhiên họ cũng không phải không biết sợ, nên phần dịch ngôn ngữ họ để nguyên phần tiếng Anh (rất thẳng và trực diện), nhưng phần tiếng Trung thì cắt bớt cho đơn giản và tránh những phần “nhạy cảm” với họ. Tác phẩm họ không kiểm duyệt hay đòi chỉnh sửa gì, nguyên bản như nghệ sĩ muốn! Họ cũng nói xin lỗi khi không thể dịch hết ra tiếng Trung, mặt khác họ cũng không loại trừ trường hợp một số tác phẩm có thể bị kiểm duyệt sau khi khai mạc. Tuy nhiên dân trí thức và nghệ sĩ Trung Quốc rất mạnh mẽ và dám chấp nhận. Về độ trung thực và thẳng thắn dám đương đầu.

Các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam tham dự triển lãm này có gì đặc biệt, xin anh cho biết?
Về thông điệp, các tác phẩm của Việt Nam đề cập đến chống chiến tranh như Ngón trỏ của Trần Tuấn. Cái vũng lớn (một hồ mực tầu lớn có hình một bóng của cái bàn) của Nguyễn Huy An, đề cập mặt giá trị đáng trân trọng của chiều sâu lịch sử và văn hoá Trung Hoa, cũng như những khoảng tối tiêu cực của nó như độc tôn, nam quyền... Ông đi qua bà đi lại của Trần Lương nói về sự liên quan lịch sử tay ba trong sự kiện từ năm 1975 đến 1984 ở Campuchia… 

Việc làm của anh đang được mọi người ca ngợi và chia sẻ khắp nơi. Anh nghĩ sao về điều này?
Việc tôi làm là rất bình thường như vốn dĩ con người tôi. Hành động của tôi rất tự nhiên và tôi coi nhân cách là điều quan trọng nhất của một con người nói chung và một trí thức nói riêng. Điều tôi muốn nói là chúng ta ai cũng chỉ có một cuộc đời, nó rất ngắn ngủi nên hãy sống cho ra sống.

Việc này được công chúng Việt Nam quan tâm là có thể hiểu vì những bức xúc và lòng tự tôn dân tộc rất cao. Nhưng tôi cũng rất lo ngại cho các bạn người Trung Quốc của tôi, những giám tuyển, nghệ sĩ... Không có họ chủ trương và bảo trợ cho triển lãm những tác phẩm rất mạnh thì đã không có triển lãm này. Tôi lo họ sẽ bị phiền toái về phản ứng của cộng đồng mạng và báo chí ở Việt Nam quanh sự việc.

Khi đang còn ở Việt Nam, phát hiện ra poster của triển lãm Polyphony: Southeast Asia (tạm dịch: Phức điệu Đông Nam Á) có bản đồ khu vực cách điệu gồm đường 9 đoạn do Trung Quốc đưa ra, Trần Lương đã yêu cầu phải xóa bỏ đường biên trái phép này, anh và đoàn Việt Nam mới sang Trung Quốc tham dự triển lãm. Anh cũng đề nghị các nghệ sĩ Đông Nam Á cùng phản đối việc làm này của BTC.
 
Yêu cầu cắt 'đường lưỡi bò', Trần Lương lo cho nghệ sĩ Trung Quốc… ảnh 1 Poster triển lãm sau khi đã cắt đường 9 đoạn
MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
TPO - Hà Nội lên tiếng hàng nghìn căn hộ sai phạm của 'đại gia điếu cày' chưa được cấp sổ; Bình Thuận chấp thuận đầu tư dự án bất động sản hơn 12.000 tỷ; Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án Công viên Phùng Khoang; Chủ dự án sân golf Việt Yên bị phạt;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 13/12.