Xuống tàu chìm 700 năm dưới đáy biển

Xuống tàu chìm 700 năm dưới đáy biển
TP - Cảm giác thật kỳ lạ khi bắt gặp đôi mảng rơm vàng vẫn còn nguyên vẹn nằm chèn giữa những chiếc đĩa cổ Chu Đậu trong lòng chiếc tàu từng im lìm dưới biển suốt 700 năm…

Cận cảnh tàu đầy cổ vật nằm dưới đáy biển Quảng Ngãi 700 năm
> Phát hiện nhiều cổ vật tuồn qua đường hàng không

Lộ diện con tàu từ thế kỷ 13 còn khá nguyên vẹn
Lộ diện con tàu từ thế kỷ 13 còn khá nguyên vẹn.

Dù những chuyên gia khảo cổ lão luyện như PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, sau khi bước xuống lòng tàu cổ ở Châu Thuận Biển Quảng Ngãi sáng 30/6, cho rằng cần phải sớm làm rõ loại gỗ đóng tàu là gì, để xác định tàu của nước nào, nhưng những cọng rơm vàng nhỏ nhoi đã nói được nhiều điều.

Rơm từ vùng Bắc bộ - Hải Dương, quê hương của dòng gốm Chu Đậu cổ vang danh thế giới. Rơm Việt theo con tàu đã trôi chảy theo hải lưu lừng danh của “Con đường tơ lụa” trên biển.

Ngồi dưới lòng biển sờ di chỉ

Sau gần một tháng miệt mài đóng cọc, đóng cừ quây ngăn hút nước trả ra biển, giới khảo cổ Việt Nam, mà trực tiếp bỏ kinh phí khảo sát, thi công, trục vớt là Cty TNHH Đoàn Ánh Dương đến từ TPHCM, xác con tàu cổ dưới lòng biển Châu Thuận (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã hiện nguyên hình hài, như đang nằm trên cạn.

Theo TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, một chuyên gia tầm thế giới về tàu đắm cổ, không chỉ trong số 6 xác tàu cổ được Việt Nam khai quật từ trước đến nay, mà so với khu vực châu Á và cả thế giới, đây được coi là xác tàu cổ còn nguyên vẹn hình hài nhất. Còn nguyên long cốt, đầu thuyền, bánh lái và các phần quan trọng.

Đặc biệt hơn cả là lần đầu tiên có cảnh nhà khảo cổ được ngồi ngay dưới… lòng biển để sờ mó di chỉ, hiện vật. Trước kia chỉ có di chỉ cọc gỗ Bạch Đằng, nhưng ở đó nước đã cạn một cách tự nhiên. Nay sở dĩ có may mắn ấy, là vì con tàu chỉ nằm dưới độ sâu 4m, lại cách bờ vài trăm mét.

Nhưng khi nghe Giám đốc Cty Đoàn Ánh Dương Võ Thị Hạnh Dung và ông chồng cố vấn Đoàn Sung nói về nguồn cơn của phương án độc đáo này, mới vỡ ra nhiều điều. Xưa nay chưa ai nghĩ ra cách đóng kè lá sen theo kiểu công trình xây dựng để ngăn nước khảo cổ dưới biển.

Mời nhiều công ty tư vấn, thiết kế, nhưng ai cũng từ chối vì khó và mạo hiểm, nhất là với vùng biển đầy sóng gió này. Thế là ông cố vấn Đoàn Sung “tự nghĩ tự làm”. Dù chi phí khai quật theo kiểu cạn tốn kém hơn nhiều so với khai quật dưới nước.

“Xã hội hoá” bỏ ra 4-5 chục tỉ đồng để làm công việc này, hầu như chưa có ai. Cũng chỉ vì đối với đôi vợ chồng này, đồ cổ không quý bằng tàu cổ. Còn một lý do “tế nhị” nữa, đó là cái làng Châu Thuận Biển này có tới… 400 thợ lặn sừng sỏ, từng dầm dề nhiều năm dưới độ sâu 72m với xác tàu cổ ở Cù Lao Chàm – Quảng Nam trước đó. Nếu trục vớt theo kiểu lặn, thì biết tuyển ai, bỏ ai? Hẳn chưa quên con tàu cổ với hàng ngàn cổ vật bên dưới này trước đó đã khiến mọi người lao vào lặn vớt trái phép, gây náo loạn.

TS Nguyễn Việt (áo đen) cùng họa sĩ Sơn Ka đang nghiên cứu xác tàu
TS Nguyễn Việt (áo đen) cùng họa sĩ Sơn Ka đang nghiên cứu xác tàu.

…Để ý thấy TS Nguyễn Việt và họa sĩ Nguyễn Sơn Ka giữa trưa nắng lặn lội khắp lòng con tàu mải mê sục tay xuống nước lần sờ từng vết tích nhỏ trên thớ gỗ. Từng vết đinh, lỗ mộng, móng cột buồm, cột bánh lái còn chìm dưới nước bùn cát đục ngầu ngổn ngang mảnh vỡ sắc lẻm của gốm được ghi chép cẩn thận.

Hơn 30 năm có mặt khắp di chỉ khảo cổ cả nước, sự thận trọng, chỉn chu đo đếm, tính toán trong từng milimét của ông hoạ sĩ nguyên Trưởng phòng Vẽ và Phục chế (Viện Khảo cổ học Việt Nam) này thật đáng nể.

Công việc của ông là đo đếm kỹ càng, không bỏ sót chi tiết nhỏ nào. Vẽ nhiều lần, sau mới đưa lên máy tính để trên cơ sở tỉ lệ kích thước đó dựng lại toàn bộ vóc dáng con tàu. Như tìm từng vết đinh đóng ở các vách ngăn của các khoang, đường kính của đinh chỉ có 3-4mm, khoảng cách đóng đinh 10-15cm. Rồi vết đẽo gỗ đáng lưu tâm. Hay cách ghép ván theo kiểu so le của người xưa để tạo độ dày và bền cho thân tàu, bề ngoài phủ lớp kết dính chống thấm nước.

Ông bảo còn sờ thấy một loại chất kết dính rất lạ ở đuôi tàu, cần nghiên cứu kỹ. Một thứ màu trắng, dẻo mịn như cao lanh. Có thể người xưa nung và giã nhỏ vỏ hàu, trai rồi trộn với một chất nào đó để giữ độ bền cho vỏ tàu.

Theo mô tả ban đầu, hiện chiều dài của con tàu chỉ còn lại 20,5m, chiều ngang rộng nhất là 5,6m. Thân tàu chia làm 13 khoang, có 12 vách ngăn. Riêng khoang số 3 chỉ còn dấu tích. Các khoang từ số 4 đến 6 cho thấy tàu đã cháy trước khi chìm.

Sau 700 năm sóng gió và ngư dân đánh bắt, hai tầng trên của tàu đã rã, chỉ còn phần tầng dưới với chiều cao từ đáy lên chừng 1,1m. Nhưng mừng vì đây là con tàu duy nhất trong số 6 tàu đắm cổ đã được phát hiện ở ta còn bánh lái. Dù phần bên dưới vẫn đang ngập sâu dưới cát.

Lặn biển xem tàu cổ hay vớt đưa vào bảo tàng?

Đó là câu chuyện chiếm phần lớn thời gian của buổi chiều, khi các chuyên gia ngồi lại với nhau. TS Nguyễn Văn Cường, GĐ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết, cả 5 lần khai quật tàu cổ trước đó đều trong tình trạng bắt buộc cứu nguy. Lần này có phần chủ động hơn, đặc biệt là được tiếp cận trực tiếp và xác tàu còn khá đầy đủ.

Tại các nước, người ta thường trục vớt xác tàu đưa về bảo tàng nghiên cứu biển quốc gia. Bởi xác tàu giá trị không kém gì cổ vật. Nhưng kinh phí để xử lý, bảo tồn rất lớn. Như Hàn Quốc có con tàu đưa lên bờ cả 10 năm nay vẫn còn phải tiếp tục ngâm xả mặn. Nếu chúng ta có đủ kinh phí để trục vớt đưa lên là tốt nhất. Chứ nay chỉ vớt hết cổ vật, rồi lại gói ghém quây rào bảo vệ ủ tiếp dưới biển, trong khi đằng nào sau đó cũng phải đưa lên.

Theo TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, Phó Ban chỉ đạo thăm dò, khai quật tàu đắm cổ Bình Châu, tỉnh sẽ cân nhắc kỹ hai phương án để sớm có chọn lựa thích hợp nhất.

Đồ cổ vớt lên từ xác tàu đắm
Đồ cổ vớt lên từ xác tàu đắm.

PGS.TS Tống Trung Tín hào hứng vì với nguyên cả con tàu này, ta có thêm một tiêu bản và cứ liệu chắc chắn về “Con đường tơ lụa” Đông Tây qua biển Việt Nam, trong đó tổ tiên mình đã tham gia vào. Đặc biệt đồ gốm trên tàu không trùng với 5 con tàu khai quật trước đó. Tuy nhiên, ông vẫn băn khoăn vì hai phương án đưa tàu lên bờ hay bảo tồn tại chỗ.

Thái Lan, Úc, Nhật Bản, Indonesia…thường bảo tồn tại chỗ ngay dưới biển. Thậm chí còn để nguyên cổ vật, đồ dùng của thuỷ đoàn trên tàu để phát triển du lịch lặn biển ngắm tàu cổ nguyên trạng. UNESCO cũng khuyến khích điều này.

Tuy vậy, cũng có nhiều nước có xu hướng đưa lên cạn. Nhưng chi phí xử lý, bảo quản con tàu từng nằm 700 năm dưới biển khi đưa lên bờ, tránh bị rã hỏng là rất tốn kém.

Ông Viện trưởng Viện Khảo cổ dẫn chứng, con tàu cổ phát hiện trong lòng Hoàng Thành Thăng Long chỉ dài có 10m, rộng 1,5m, nhưng tham khảo chi phí bảo quản từ các chuyên gia nước ngoài, phải mất 1 triệu USD. Với con tàu ở Châu Thuận Biển này, một nguy cơ nữa là theo quy hoạch, khu vực Dung Quất và cảng Dung Quất 2 sẽ mở rộng ra đến đây. Nên không thể không trục vớt lên, rồi làm theo cách giản tiện nhất là xây bể ngâm muối xả mặn.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Việt lại tỏ ra lạc quan hơn nhiều, khi cho rằng kinh phí để ngâm tẩm, xả mặn xác tàu sẽ không lớn đến vậy. Chúng ta phải có một con tàu cổ trong bảo tàng. Do điều kiện sát bờ, việc đưa tàu lên không còn là vấn đề, như trình bày của Cty Đoàn Ánh Dương là chỉ cần 2 ngày. Trung tâm của ông sẵn sàng đứng ra giúp toàn bộ khâu ngâm tẩm, xả mặn và phục dựng nguyên vẹn xác tàu. Bởi không thể nào cẩu lên nguyên xi được, mà phải ráp lại từng mảnh theo nguyên mẫu.

Hơn 4.000 hiện vật nguyên vẹn

Chiều 30/6, Ban chỉ đạo thăm dò, khai quật khảo cổ Di sản văn hóa dưới nước tỉnh Quảng Ngãi thông báo, trong quá trình khai quật tàu đắm từ 4/6 đến 23/6, đã thu được 268 thùng hiện vật, trong đó có 91 thùng với hơn 4.000 hiện vật tương đối nguyên vẹn.

Những cổ vật thu được gồm một số kim loại bằng đồng, tiền đồng, đồ gốm men nâu, đồ gốm men ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men trắng xanh, đồ gốm men màu… Đơn vị khai quật cho rằng đây là các loại đồ gốm sứ thuộc thế kỷ XIII; đồng tiền muộn nhất cũng vào thế kỷ XIII. Những hiện vật này được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. TTXVN

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.