Người đứng đầu Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine - Kyrylo Budanov. Ảnh: Pravda |
Trả lời phỏng vấn tờ Liberation, ông Budanov cho biết: "Tôi tin rằng việc giành lại Donbass sẽ khó khăn hơn. Vì phía Nga có đường tiếp tế liên tục và quân đội của họ có thể sử dụng nó từ cả hai phía. Giờ đây, Nga vẫn có hành lang trên đất liền dẫn vào Crimea. Cây cầu Crimea vẫn đứng vững, nhưng nó có thể sẽ không còn tồn tại được bao lâu nữa."
Theo ông Budanov, để giành quyền kiểm soát Crimea cần có hai nhiệm vụ chiến lược: đứt hành lang đất liền và phá hủy cây cầu Crimea.
"Việc còn lại chỉ là vấn đề thời gian. Bán đảo sẽ trở lại. Nhưng tình hình với Donbass khó khăn hơn", ông Budanov nói.
Ông cũng tin rằng ngay cả khi Nga mất Crimea, nước này cũng sẽ không mạo hiểm leo thang hạt nhân.
"Đã có rất nhiều lý do để sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng rồi sao? Trong học thuyết của Nga, vũ khí hạt nhân được coi là 'công cụ răn đe'. Đây là điều mà mọi người đều lo sợ và suy đoán. Tuy nhiên, Nga sẽ phải trả giá cao hơn nhiều nếu sử dụng vũ khí hạt nhân so với việc không sử dụng chúng".
Ukraine và Pháp ký thỏa thuận song phương về hợp tác an ninh
Hãng tin Pravda cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ký một thỏa thuận song phương về hợp tác an ninh vào ngày 16/2.
Thỏa thuận "nêu chi tiết các cam kết mà Paris đã thống nhất với các nước G7 tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius vào tháng 7 năm ngoái", Tổng thống Pháp Macron cho biết. "Sự hỗ trợ của chúng tôi không chỉ lâu dài mà còn là ý chí tập thể, vì Anh và Đức đã ký thỏa thuận này rồi”.
Chi tiết thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Đức và Ukraine
Theo Phó Chánh văn phòng tổng thống Ukraine - Ihor Zhovkva, các lãnh đạo Đức và Ukraine hôm 16/2 đã ký kết một thỏa thuận chưa từng có về hợp tác an ninh và hỗ trợ lâu dài ở Berlin. "Đây là thỏa thuận an ninh thứ hai, sau thỏa thuận với Anh, mà chúng tôi ký theo Tuyên bố chung G7 tháng 7/2023". Khi đó, lãnh đạo các nước phương Tây không đặt ra thời gian cụ thể để Ukraine gia nhập khối nhưng các nước G7 cam kết sẽ hỗ trợ an ninh lâu dài cho Ukraine.
Việc ký kết thỏa thuận được tiến hành sau bốn vòng đàm phán chuyên sâu, bao gồm cả ở Berlin.
Theo thỏa thuận, Đức sẽ cung cấp khoản hỗ trợ tài chính và quân sự kỷ lục 7,1 tỷ euro cho Ukraine trong năm 2024. Berlin cũng đã chuẩn bị một gói hỗ trợ lập tức khác trị giá 1,13 tỷ euro, tập trung vào phòng không và pháo binh.
Berlin "ủng hộ các nỗ lực cải cách của Ukraine, đặc biệt là trong bối cảnh nước này có mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)".
Các công việc chung sẽ được thực hiện nhằm đảm bảo lực lượng bền vững có khả năng bảo vệ Ukraine và ngăn chặn các hành động khiêu khích trong tương lai, với việc Đức tiếp tục cung cấp cho Ukraine hỗ trợ an ninh và thiết bị quân sự hiện đại.
Hợp tác phi quân sự bao gồm hỗ trợ kinh tế, tài chính và kỹ thuật, sự bền vững của hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng, an ninh thông tin và chống tội phạm có tổ chức. Trọng tâm là hợp tác công nghiệp quốc phòng và hỗ trợ tổ hợp công nghiệp - quân sự công nghệ cao của Ukraine.
Thỏa thuận có hiệu lực trong 10 năm kể từ ngày ký. Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi việc ký kết thỏa thuận này là một bước đi lịch sử.
Tổng tư lệnh quân đội Ukraine xác nhận rút quân khỏi 'chảo lửa' Avdiivka
Quân đội Ukraine đã rút khỏi thị trấn Avdiivka ở Donetsk, tân Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết sáng sớm 17/2. Quyết định này của Ukraine mở đường cho bước tiến lớn nhất của Nga kể từ tháng 5/2023 khi quân đội nước này giành được thành phố Bakhmut.
Việc rút quân được công bố trong bối cảnh Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng do viện trợ quân sự của Mỹ bị trì hoãn trong nhiều tháng tại Quốc hội.
Quyết định rút quân được đưa ra nhằm bảo vệ lực lượng Ukraine trước nguy cơ bị lực lượng Nga bao vây hoàn toàn sau nhiều tháng giao tranh quyết liệt.
Tân Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine - tướng Oleksandr Syrskyi cho biết các lực lượng Ukraine đã rút về các vị trí an toàn hơn bên ngoài thị trấn. “Tôi quyết định rút các đơn vị khỏi thị trấn và chuyển sang phòng thủ từ những tuyến thuận lợi hơn nhằm tránh bị bao vây, đồng thời bảo toàn tính mạng cũng như sức khỏe của các quân nhân”.
Trước khi xung đột bùng phát, Avdiivka có dân số khoảng 32.000 người. Giành được Avdiivka là chìa khóa cho mục tiêu của Nga nhằm đảm bảo quyền kiểm soát hoàn toàn hai tỉnh Donetsk - Lugansk.
Việc mất Avdiivka sau gần hai năm xung đột có thể mang lại cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lý lẽ mạnh mẽ hơn để yêu cầu phương Tây viện trợ quân sự khẩn cấp khi ông phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào sáng thứ Bảy (17/2).
Avdiivka đã phải gánh chịu áp lực tấn công ngày càng tăng của các lực lượng Nga ở phía đông khi viện trợ quân sự của phương Tây suy yếu. Tướng Syrskyi nói: “Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp để ổn định tình hình và duy trì vị trí của mình”.