Chi tiết thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Đức và Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Văn phòng tổng thống Ukraine đã công bố chi tiết thỏa thuận song phương về hợp tác an ninh giữa nước này với Đức.
Chi tiết thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Đức và Ukraine ảnh 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Pravda

Theo Phó Chánh văn phòng tổng thống - Ihor Zhovkva, các lãnh đạo Đức và Ukraine hôm 16/2 đã ký kết một thỏa thuận chưa từng có về hợp tác an ninh và hỗ trợ lâu dài ở Berlin. "Đây là thỏa thuận an ninh thứ hai, sau thỏa thuận với Anh, mà chúng tôi ký theo Tuyên bố chung G7 tháng 7/2023". Khi đó, lãnh đạo các nước phương Tây không đặt ra thời gian cụ thể để Ukraine gia nhập khối nhưng các nước G7 cam kết sẽ hỗ trợ an ninh lâu dài cho Ukraine.

Việc ký kết thỏa thuận được tiến hành sau bốn vòng đàm phán chuyên sâu, bao gồm cả ở Berlin.

Theo thỏa thuận, Đức sẽ cung cấp khoản hỗ trợ tài chính và quân sự kỷ lục 7,1 tỷ euro cho Ukraine trong năm 2024. Berlin cũng đã chuẩn bị một gói hỗ trợ lập tức khác trị giá 1,13 tỷ euro, tập trung vào phòng không và pháo binh.

Berlin "ủng hộ các nỗ lực cải cách của Ukraine, đặc biệt là trong bối cảnh nước này có mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)".

Các công việc chung sẽ được thực hiện nhằm đảm bảo lực lượng bền vững có khả năng bảo vệ Ukraine và ngăn chặn các hành động khiêu khích trong tương lai, với việc Đức tiếp tục cung cấp cho Ukraine hỗ trợ an ninh và thiết bị quân sự hiện đại.

Hợp tác phi quân sự bao gồm hỗ trợ kinh tế, tài chính và kỹ thuật, sự bền vững của hệ thống năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng, an ninh thông tin và chống tội phạm có tổ chức. Trọng tâm là hợp tác công nghiệp quốc phòng và hỗ trợ tổ hợp công nghiệp - quân sự công nghệ cao của Ukraine.

Thỏa thuận có hiệu lực trong 10 năm kể từ ngày ký. Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi việc ký kết thỏa thuận này là một bước đi lịch sử.

Sau Berlin, Tổng thống Zelensky sẽ tới Pháp để ký một thỏa thuận song phương khác.

Anh và Ukraine đã ký một thỏa thuận an ninh song phương vào tháng 1 và Kiev đang đàm phán với các nước khác. Những thỏa thuận an ninh như vậy có thể bao gồm việc cung cấp thiết bị quân sự hiện đại và đào tạo binh lính Ukraine.

Hồi tháng 1, Tổng thống Pháp đã kêu gọi các nước châu Âu chuẩn bị hỗ trợ Ukraine trong trường hợp Washington quyết định ngừng viện trợ.

Theo Reuters, Pravda
MỚI - NÓNG