Xung đột Israel – Palestine kéo ông Biden trở lại Trung Đông

0:00 / 0:00
0:00
Israel vừa nã pháo vào dải Daza. (Ảnh: Reuters)
Israel vừa nã pháo vào dải Daza. (Ảnh: Reuters)
TPO - “Ngay khi tôi nghĩ rằng tôi đã thoát ra thì họ lại kéo tôi ngược lại”. Câu nói nổi tiếng của Al Pacino trong phim Bố Già có vẻ rất đúng với các tổng thống Mỹ khi họ cố tránh những rắc rối ở Trung Đông.

Xác định cuộc cạnh tranh với Trung Quốc là nhiệm vụ chính, Tổng thống Joe Biden thể hiện ít quan tâm đến nền chính trị nguy hiểm ở khu vực này. Ông đã ngồi ở hàng ghế đầu trong suốt 20 năm, khi Trung Đông gây tốn kém bao nhiêu mạng sống, tài sản và uy tín của người Mỹ.

Mối bận tâm chính của ông Biden ở Trung Đông không phải cuộc xung đột Israel – Palestine mà là khôi phục thoả thuận hạt nhân với Iran. Tuy nhiên, xung đột bùng lên giữa Israel và Palestine lần này đang thử thách thái độ của nhà lãnh đạo Mỹ khi những lợi ích quan trọng của Mỹ vẫn là phụ thuộc vào những xáo trộn ở vùng Đông Địa Trung Hải.

Các tổng thống Mỹ Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đã cố nhưng không thể kết thúc xung đột Israel – Palestine bằng những sáng kiến lớn. Tổng thống Donald Trump nói tìm ra một thoả thuận không khó như mọi người nghĩ. Nhưng đề xuất của ông với sự thiên vị dành cho Israel càng không giải quyết được vấn đề.

Chiếc máy bay màu xanh trắng của ngoại trưởng Mỹ thường bay qua lại giữa Israel, Ai Cập và Jordan để dàn xếp một thoả thuận ngừng bắn. Việc Ngoại trưởng Antony Blineken đến nay vẫn ở nhà cho thấy chính quyền Mỹ vẫn thận trọng. Nó cũng cho thấy bất kỳ cuộc đàm phán nghiêm túc nào giữa Israel và Palestine cũng có thể tồi tệ hơn.

Những năm Israel dưới thời Thủ tướng Benjamin Netanyahu khuyến khích định cư ở Bờ Tây khiến hy vọng về một nhà nước Palestine tồn tại gần kề trở nên ảm đạm.

Bất ổn chính trị ở Israel làm thiếu vắng một chính phủ mạnh mẽ và càng khiến các vấn đề an ninh bị chính trị hoá. Sự lãnh đạo thiếu hiệu quả ở Ramallah và sức mạnh của nhóm quân sự Hamas ở Gaza đang chia rẽ đối với sự đoàn kết của người Palestine.

Bạo lực hiện nay có thể tốt cho một bên, đó là Iran, với hy vọng rằng cuộc xung đột này sẽ làm hỏng quan hệ giữa nhà nước Do Thái với một số nước Ả-rập. Bất kỳ điều gì liên quan đến Israel đều gây tiếng vang chính trị mạnh mẽ ở Mỹ. Những người tự do muốn ông Biden cứng rắn hơn với Thủ tướng Netanyahu trước các cuộc không kích của Israel gây thương vong cho thường ở Gaza và họ cho rằng chính sách định cư hung hăng chính là mồi lửa cho đợt xung đột hiện nay.

Còn phe Cộng hoà cáo buộc Tổng thống Mỹ tạo tiền đề cho bạo lực khi nhân nhượng Iran, quốc gia bị cho là đang tài trợ cho Hamas. Điều này cũng kéo cả thoả thuận hạt nhân Iran vào mớ hỗn độn. Nếu những nỗ lực ngoại giao phức tạp có thể dẫn đến một thoả thuận hạt nhân, điều đó còn gây khó xử hơn ở Washington khi Iran bị cáo buộc hậu thuẫn đợt nã rốc-két vào Israel vừa qua.

Vì thế, ông Biden có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận bị kéo vào cuộc.

Khi bạo lực ở Trung Đông cướp đi hơn 70 mạng sống trong tuần này, Mỹ đang lặng lẽ chuyển tải thông điệp về sự xuống thang giữa Israel và Palestine.

Thư ký báo chí Nhà trắng Jen Psaki hôm 11/5 cho biết đã có 10 cuộc điện đàm giữa các quan chức cấp cao của Washington với quan chức Trung Đông, bao gồm Israel, Palestine, Qatar, Tunisia và Ai Cập.

“Những tiếp xúc của chúng tôi, trong đó có nhiều tiếp xúc riêng tư thông qua các kênh ngoại giao, đang diễn ra với các quan chức ở khu vực”, bà Psaki nói. Ngày 12/5, ông Biden nói rằng ông đã có cuộc nói chuyện dài với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu qua điện thoại. Còn Ngoại trưởng Blinken đã trao đổi với cả lãnh đạo Israel và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Nhưng Mỹ đã phản đối Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc ra tuyên bố lên án bạo lực theo đề xuất của Na Uy. Hai nhà ngoại giao ở LHQ nói với CNN rằng Mỹ đã nói với các thành viên khác trong HĐBA rằng một tuyên bố như vậy sẽ có tác động tiêu cực lên những nỗ lực ngoại giao nhằm xuống thang căng thẳng.

Theo CNN
MỚI - NÓNG