Xúc phạm nhóm nhạc BTS: Nam sinh đọc bản kiểm điểm bị tung khắp các diễn đàn

M.Q. bị đình chỉ học, hạ hạnh kiểm, phải lao động công ích và đọc kiểm điểm trước trường. Hình ảnh nam sinh đọc bản kiểm điểm và xin lỗi được quay lại và đưa lên mạng. Ảnh cắt từ clip
M.Q. bị đình chỉ học, hạ hạnh kiểm, phải lao động công ích và đọc kiểm điểm trước trường. Hình ảnh nam sinh đọc bản kiểm điểm và xin lỗi được quay lại và đưa lên mạng. Ảnh cắt từ clip
TPO - Các nhà tâm lý, giáo viên cho rằng nam sinh ở TP.HCM xúc phạm nhóm nhạc BTS phải bị kỷ luật song hình thức xử lý nên nhân văn, mang tính giáo dục hơn.

Trước đó, clip ghi lại cảnh nam sinh đọc lời xin lỗi trước toàn trường được chia sẻ lên nhiều diễn đàn, gây ra hai luồng ý kiến trái chiều về cách xử lý của nhà trường.

Theo đó, em N.H.M.Q., học sinh lớp 8, trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TP.HCM) bị kỷ luật, phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường vì lập trang anti, đăng hình ảnh, bài viết có nội dung thô tục, xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS.

Vậy hình thức xử lý này đã hợp lý chưa, có đủ sức răn đe mà vẫn nhân văn không?

Kỷ luật bằng đuổi học, đọc bản kiểm điểm, vệ sinh trường: Nặng hay nhẹ?

Về việc nam sinh này đã lập trang mạng anti nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc, sử dụng tranh, ảnh thô tục để chửi rủa nhóm nhạc này nhà trường đã có hình thức kỉ luật.

Trao đổi báo chí, Phó hiệu trưởng trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TP.HCM), cho biết em N.H.M.Q. đã phải xin lỗi trước toàn trường vì viết, chia sẻ hình ảnh mang tính nhục mạ người khác.

Thầy hiệu phó cho rằng hành vi của nam sinh trái với quy định đạo đức, nội quy trường, đồng thời vi phạm Luật An ninh mạng. Ngoài việc yêu cầu học sinh đọc kiểm điểm, xin lỗi, trường THCS Ngô Quyền quyết định đình chỉ học từ ngày 6 đến 9/11 đối với nam sinh. Q. đến trường nhưng không được vào lớp và vẫn phải thực hiện việc chép, ôn bài.

Nam sinh cũng bị đánh giá hạnh kiểm từ trung bình hoặc yếu cho học kỳ I năm học 2019-2020. Ngoài ra, trường THCS Ngô Quyền quyết định đình chỉ học từ ngày 6 đến 9/11 đối với nam sinh. Q. đến trường nhưng không được vào lớp và vẫn phải thực hiện việc chép, ôn bài. Thêm nữa, trong thời gian bị xử lý kỷ luật, M.Q. phải lao động công ích.

Vị phó hiệu trưởng cũng cho rằng hình thức kỷ luật hạ hạnh kiểm là hợp lý, phù hợp quy định không chỉ của trường THCS Ngô Quyền, mà các trường khác.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, cho rằng, trước khi bàn luận về hình thức kỉ luật với nam sinh này là nặng hay nhẹ, cần thiết hay không thì cần phải xem xét tất cả các hình thức xử phạt có qua hội đồng kỉ luật của nhà trường hay không.

Mặt khác, theo TS Lâm, nhà trường đã có đánh giá tác hại đó của việc làm đó của học sinh chưa. Trên cơ sở nào để đưa ra những quyết định đó.  Phải có cơ sở hợp lý thì hình phạt với học sinh mới có tính thuyết phục.

“Nhà trường đã nói chuyện với học sinh một cách kĩ lưỡng chưa hay cứ áp đặt hình thức kỷ luật luôn ”- TS Lâm nhấn mạnh.

Kỷ luật nhưng cũng cần nhân văn?

Thạc sỹ Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên trường THTP chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho rằng, trường phạt học sinh viết bản kiểm điểm, hạ một bậc hạnh kiểm là đủ sức răn đe rồi.

Ths Hiệp cho rằng, việc nam sinh này bị quay clip, đăng lên Facebook, cũng là bị bêu xấu trước cộng đồng mạng là không ổn, nhà trường muốn dồn học sinh vào đường cùng sao?

“Trong trường hợp em có hành vi ứng xử không đúng trên mạng, trường cần mời gia đình, học sinh lên nói chuyện, phân tích đúng sai. Lỗi học sinh nhà trường xử lý giải quyết liên quan gì đến mạng. Mạng online đâu phải quan tòa phán quyết?”- Cô Hiệp nhấn mạnh.

Ths Hiệp cho rằng, nên làm sáng tỏ ai là người quay em học sinh đang đọc bản kiểm điểm rồi tung lên các diễn đàn. Sao nhà trường lại để chuyện đó xảy ra?

Cũng theo cô Hiệp, trường chị dạy cũng có nhiều học sinh phạm lỗi, nhưng nhà trường có quy định để dạy dỗ các em và tuyệt đối không có chuyện để đưa lên mạng được: “Trường không cho phép học sinh quay đưa bạn lên mạng”- cô Hiệp nhấn mạnh.

Cô Hiệp kể, trước có một vài trường hợp trong trường cũng lên blog viết bậy bạ. Khi nhà trường tìm nguyên nhân, hóa ra là do học sinh muốn chống đối phụ huynh lên với “nổi khùng” như vậy. Hiệu trưởng đã làm việc với cha mẹ học sinh để tìm cách xử lý chứ không phạt nặng học sinh.

“Học sinh đó viết bậy về thầy cô, cả thầy hiệu trưởng nhưng nhà trường chỉ hạ hạnh kiểm rồi bắt học sinh không được tái phạm còn phụ huynh đến làm việc với hiệu trưởng cam kết quản lý con tốt. Vậy mà học sinh vẫn sợ và không dám tái phạm”- cô Hiệp chia sẻ.

Ths Hiệp cũng không đồng tình với việc xử lý nam sinh trước toàn trường. Việc xử lý kỷ luật đã có quy định, hình thức tùy quan điểm mỗi trường, song người làm giáo dục nên ưu tiên giải quyết nhân văn hơn: “Cho học sinh viết kiểm điểm, viết xin lỗi rồi chụp ảnh lời xin lỗi của em đăng lên. Còn tuyệt đối không được công khai quay phim rồi đưa hình ảnh em lên như vậy”- cô Hiệp nêu quan điểm.

Phạt thế này có khiến học sinh là đối tượng tấn công của cộng đồng mạng hay không?

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, phạt thế nào để học sinh không cảm thấy tổn thương, bất mãn dẫn đến chống đối, im lặng, không hợp tác, hoặc nói dối để né lỗi thì cần phải theo các nguyên tắc nhất định.

Cũng theo PGS Nam, người đưa ra hình phạt bao giờ cũng phải cân nhắc liệu cách thức phạt như vậy có đảm bảo sự tôn trọng cá nhân không (có nguy cơ khiến cá nhân cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, sợ hãi); liệu hình phạt có hợp lý (với sự phát triển lứa tuổi và mức độ nhận thức không); liệu hình phạt có liên quan không (có giúp cá nhân nhận ra lỗi hành vi và quyết tâm sửa chữa hay không)

Trong trường hợp cụ thể ở trường Ngô Quyền, liệu quyết định phạt kỷ luật phải xin lỗi trước toàn trường và đình chỉ học tập có được quy định trong các văn bản của nhà trường đã ban hành trước đó hay không? Nếu chưa từng có tiền lệ xử lý việc xúc phạm người khác trên mạng thì học sinh rất có khả năng cảm thấy mình bị đối xử quá nặng.

Cũng theo nhà tâm lý này, người đưa ra quyết định xử phạt liệu đã cân nhắc về quy trình cách thức để “không gây hại” cho học sinh hay không? Liệu người ra quyết định kỷ luật có cân nhắc đến việc những học sinh khác quay hình học sinh bị kỷ luật, đưa lên mạng để trở thành đối tượng chế diễu, tấn công của cộng đồng mạng hay không?

Liệu khi đưa ra hình phạt này, chúng ta có thể cảm kết để đảm bảo tính “công bằng” và nhất quán tiếp tục xử lý những hành vi tương tự trong trường hay không. Liệu những bạn học sinh khác livestream sự kiện bạn xin lỗi kèm theo những bình luận hạ nhục có tiếp tục được nhà trường cho lên xin lỗi công khai và đình chỉ học tập hay không?

Và quan trọng là liệu hình phạt này có thực sự phòng ngừa và giải quyết được những sự việc tương tự trong tương lai không. Liệu mọi việc chấm dứt và trở lại bình thường với thầy và trò sau sự việc xin lỗi công khai này

‘Sẽ có rất nhiều nguy cơ sẽ xảy ra nếu quyết định kỷ luật được đưa ra chỉ bởi một cá nhân mà không có sự tham gia của cha mẹ học sinh và bản thân của học sinh. Liệu đã có quy trình bảo vệ học sinh khỏi việc bị cộng đồng mạng tấn công hoặc quy trình trao đổi với phụ huynh để cùng hợp tác với nhà trường”- TS Nam nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG