Nhắc đến “bao đồng” nhiều người vẫn hiểu rằng là từ chỉ những người thích lo chuyện người khác, cũng có người cho rằng, bao đồng là từ chỉ những người thích lắm chuyện, thích “ôm rơm rặm bụng”.
Và ngay tại sân khấu “Những phụ nữ có gu” đã mời đến người phụ nữ mang những yêu thương đi “bao đồng” không chỉ một hai ngày, hay vài tháng mà là cả một hành trình rất dài – nhà báo Trần Mai Anh – người thành lập quỹ Thiện Nhân và Những người bạn (TN&F), để trợ giúp cho các em nhỏ bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục và các bệnh liên quan.
Yêu thương và Tôn trọng
Khi được hỏi cuộc sống của chị có bị xáo trộn khi phải lo cho quá nhiều người cùng một lúc, chị Mai Anh cho biết: “Gọi là hành trình Thiện Nhân nhưng rất nhiều người gọi là hành trình yêu thương. Nếu gọi là hành trình yêu thương thì tình yêu không bao giờ gây xáo trộn xung quanh một cách không mong muốn. Nếu là hành trình yêu thương rồi thì không có lý do gì để nó không tiếp diễn. Và mình đang ở trong cái hành trình yêu thương như thế thì dại gì mà mình nhảy ra ngoài chứ”.
Chị không hề có khái niệm bao đồng vì từ trước đến nay chị luôn sống cuộc đời của mình: “Mình là con người may mắn, cuộc sống làm cho mình vui vô hình chung đang giúp những người xung quanh nữa. Khi con người có những mối dây của mình với sự sống xung quanh thì con người ấy không phải là người đơn độc. Đó là cuộc sống hết sức bình thường”.
“Có hàng nghìn hồ sơ của những em bé khác đang cần tái tạo cơ quan sinh dục để trở thành những em bé bình thường, có thể đến trường, đi học. Mẹ Mai Anh còn mơ ước những em bé ấy một ngày sẽ có bạn gái, có gia đình. Hành trình đấy mình chưa bao giờ coi đó là hành trình từ thiện, mà nó là hành trình của những người mẹ, người cha có những đứa con chưa hoàn thiện, còn đang thiệt thòi, chia sẻ thông tin cho nhau, cùng nhau chữa bệnh”, nữ nhà báo chia sẻ về hành trình ý nghĩa của mình.
Đồng thời, chị khẳng định: “Khi người muốn giúp người ta thực sự muốn sự giúp đỡ của mình thì mình sẽ làm. Hai sự mong và muốn ấy khớp lại với nhau thì không quan trọng người xung quanh đang nghĩ gì, nói gì và sẽ làm tốt nhất điều mình muốn.
Khi mình muốn trao yêu thương cho một ai thực sự muốn nhận, những rào cản xung quanh không là vấn đề gì cả và chưa bao giờ chị bị ảnh hưởng bởi những rào cản ấy hết”.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của chị là từng đứa trẻ trên con đường đấy được trở thành những đứa trẻ bình thường một cách đơn giản nhất.
“Mẹ Mai Anh cùng quỹ Thiện Nhân và những người bạn đã cho em cuộc sống mới”
Một bất ngờ nhỏ mà chương trình muốn làm mẹ Mai Anh bất ngờ, khi Gia Khôi - đứa trẻ được chị và quỹ Thiện Nhân và những người bạn dang rộng vòng yêu thương, giúp đỡ.
Cậu bé Cơ Ho có tên Ka Nhits (tức Gia Khôi) – một bạn nhỏ từng xuất hiện trên nhiều mặt báo nhiều năm trước khi tìm lại chính mình. 12 tuổi, Ka Nhits không có biểu hiện giới tính như các bạn nữ khác. Hoang mang, em cùng mẹ xuống thành phố Hồ Chí Minh thăm khám, kết quả cho thấy, em có bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể nam. Để có thể bình thường, em cần một số tiền mà gia đình em cả đời không bao giờ mơ đến.
Ka Nhits đổi tên thành Gia Khôi, cắt tóc ngắn, mặc đồ con trai, sống đúng giới tính của mình trước khi đưa ra quyết định phẫu thuật. Gia đình, thầy cô, bạn bè hiểu và thông cảm với em nhưng vẫn còn những người trong cộng đồng thậm chí là người thân của Ka Nhits nhìn em với ánh mắt kỳ thị.
"Tôi là ai? Tôi có còn là con người không? Giờ còn là người thì tôi sẽ là con trai hay con gái? Hay con quỷ?", “Họ bóp cổ bố tôi, bóp cổ mẹ tôi vì đã sinh ra một con quỷ”... Những dòng viết được trích ra từ những trang nhật ký đầy máu và nước mắt của Gia Khôi cho đến khi mẹ em tìm đến chị Mai Anh, quỹ Thiện Nhân và những người bạn. Câu chuyện của em lan tỏa ra cộng đồng, được hàng nghìn người chung tay hiện thực hóa giấc mơ cho em. Hơn 600 triệu đồng được quyên góp trong một tuần giúp Gia Khôi và những em nhỏ khuyết thiếu khám, điều trị và phẫu thuật.
Gia Khôi xúc động rơi nước mắt khi được gặp lại ân nhân. Em chuẩn bị hoa lan kim điệp lấy ở trên rừng để trao tận tay mẹ Mai Anh. Em nghẹn giọng dành lời cảm ơn mẹ và quỹ Thiện Nhân đã luôn bên em trên chặng đường tìm lại giới tính thật, cơ hội được sống đúng nghĩa một lần nữa.