Theo Tổng cục phó Tổng cục Hải quan (TCHQ) Nguyễn Dương Thái, kinh tế nước ta trong năm 2017 được đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc với sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế lớn: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN. Tuy nhiên, việc gia tăng chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng với những điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ và một số nước lớn đã tác động đáng kể tới hoạt động XNK của Việt Nam và một số nước trong khu vực.
10 năm tăng 4 lần
Vượt qua những khó khăn, thách thức cả chủ quan lẫn khách quan, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong hoạt động XNK. Cụ thể, bước vào đầu thập niên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng kim ngạch XNK của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD. Tháng 12/2007, cả nước đã lập kỷ lục: Lần đầu tiên, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch XNK đạt hơn 100 tỷ USD. Hơn 4 năm sau (2011), quy mô XNK đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD. Và 4 năm sau đó (2015) đã lên 300 tỷ USD. Trên đà bứt phá, chỉ cần 2 năm tiếp theo, tổng kim ngạch XNK đã đạt mức 400 tỷ USD. Như vậy, sau 10 năm gia nhập WTO, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam đã tăng 4 lần.
Cũng theo lãnh đạo TCHQ, nhờ những kết quả trên mà thứ hạng về XNK của Việt Nam (theo xếp hạng của WTO) tăng lên rõ rệt. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của nước ta từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 trong năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam cũng từ vị trí 41 trong năm 2007 lên 25 trong năm 2016 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017.
Bên cạnh sự đóng góp của các DN FDI, điểm đáng mừng là chúng ta không còn phụ thuộc vào số ít các mặt hàng là tài nguyên khoáng sản, nhất là dầu thô, than đá như những năm đầu hội nhập. Con số thống kê của TCHQ đã ghi nhận sự đóng góp ngày càng lớn của các mặt hàng nông lâm thủy sản, dệt may, da giày. “Hiện nay, ngoài 2 nhóm hàng điện thoại và máy tính, nước ta còn xây dựng được gần 30 nhóm hàng xuất khẩu đạt trị giá kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên. Điển hình là đóng góp của nhóm hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp như thủy sản, hạt điều, rau quả, gạo, đồ gỗ…”, lãnh đạo ngành hải quan nói.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ giao thương với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Nhiều đối tác đạt kim ngạch thương mại hai chiều hàng chục tỷ USD/năm.
Chưa thể hài lòng
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam có xuất siêu trong quan hệ thương mại với các nước. Xu thế này có thể được duy trì trong năm 2018. Cộng đồng các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN FDI đã tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
“Kể từ khi gia nhập WTO đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 14%/năm. Đây được xem là một trong những động lực chính trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Chất lượng xuất khẩu đã thay đổi từ việc các mặt hàng chủ yếu là thô, có hàm lượng chế biến thấp sang các mặt hàng có hàm lượng chế biến cao. Hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại hơn 200 thị trường trên thế giới. Đặc biệt trong các năm gần đây, khu vực FDI vẫn là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ quyết tâm xây dựng một “chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ”. Cho đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm thúc đẩy cải cách hành chính. Các chính sách, biện pháp quyết liệt này của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi tốt cho hoạt động của các DN, với gần 80 nghìn DN XNK hàng hóa trong năm 2017.
“Cộng đồng các DN XNK luôn đòi hỏi và kỳ vọng cơ quan quản lý nhà nước không ngừng nâng cao cải cách, năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý. Dù đã đạt được kết quả cao thời gian vừa qua trong lĩnh vực XNK nhưng không có nghĩa là chúng ta đã có thể tự hài lòng”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị TCHQ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan theo Chiến lược Phát triển Hải quan đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết sẽ tiếp tục cùng các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương nỗ lực hợp tác, phối hợp hoạt động và đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN; thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ nhằm mục tiêu sẽ đón nhận những kỷ lục mới về cả chất và lượng XNK, cán mốc 500 tỷ USD trong 2 năm tới.
Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2017, thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu của nước ta giảm 3 giờ, hàng hóa nhập khẩu giảm 6 giờ; chi phí thông quan một lô hàng giảm 19 USD và ước tính 10 tháng đầu năm nay, tiết kiệm được 170 triệu USD cho DN.
Đóng góp lớn của khối doanh nghiệp FDI
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về những ưu đãi của Việt Nam dành cho khối DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), song phải thừa nhận rằng, khối này đóng góp đáng kể giúp Việt Nam đạt mức xuất siêu 3,17 tỷ USD. Cụ thể, tính từ đầu năm đến hết tháng 11/2017, khối DN FDI xuất siêu gần 24 tỷ USD, trong khi khối các DN có vốn trong nước thâm hụt gần 21 tỷ USD.
Trong khối DN FDI, tập đoàn Samsung ghi dấu ấn đậm nhất. Trước hết, nhìn vào cơ cấu các nhóm hàng XNK chủ lực, nhóm hàng điện thoại và máy vi tính luôn dẫn đầu, vượt qua cả ngành hàng dệt may truyền thống. Thật không ngoa khi nói nếu không có những chiếc điện thoại, máy tính bảng thương hiệu Samsung “Made in Việt Nam” thì Việt Nam sẽ còn rất lâu mới cán được mốc son kỷ lục XNK với những con số hàng trăm tỷ USD ở trên. Theo Samsung Việt Nam, trong năm 2017, dự kiến tổng giá trị xuất khẩu của công ty sẽ đạt khoảng 50 tỷ USD. Đến cuối năm nay, Samsung sẽ có 29 nhà cung ứng cấp 1 tại Việt Nam, tăng khá nhiều so với con số 5 nhà cung ứng cấp 1 ở thời điểm năm 2013.
Thống kê của hải quan cho thấy, trong 11 tháng năm 2017, xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 194 tỷ USD, tăng khoảng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện các loại đạt kỉ lục xuất khẩu với hơn 68 tỷ USD.