Xuất khẩu rau quả “đói” thông tin

Trang trại trồng cây thanh long tại Bình Thuận. Ảnh: Tuấn Anh.
Trang trại trồng cây thanh long tại Bình Thuận. Ảnh: Tuấn Anh.
TP - Thị trường Trung Quốc dù được đánh giá là nhiều rủi ro, “nhạy cảm” nhưng kim ngạch xuất sang Trung Quốc đang chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam. Trong khi đó, nhiều hàng nông sản Việt Nam, trong đó có rau quả đang “đói” thông tin dự báo, dẫn đến thiệt hại cho nông dân.

Vẫn phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Tại hội nghị bàn giải pháp phát triển sản xuất tiêu thụ rau quả hôm qua (14/5), bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong khi xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đang tụt giảm, rau quả lại sôi động, tăng mạnh trong thời gian qua. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch gần 370 triệu USD, tăng tới 26% so với cùng năm ngoái (ước tính 4 tháng đầu năm đạt 490 triệu USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ).

Dù xuất khẩu sang 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt trên 130 triệu USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ, chủ yếu là thanh long, vải, dưa hấu…(trong đó thanh long chiếm gần 60%). Tuy nhiên, theo bà Thảo, Trung Quốc là thị trường “nhạy cảm”, ngày càng kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa. Trong khi, phần lớn nông sản của Việt Nam xuất qua đường tiểu ngạch, hình thức buôn bán không ổn định, nhiều rủi ro bất thường.

Lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận cho biết: Thanh long đang quá phụ thuộc vào một thị trường là Trung Quốc, nên rất dễ đổ vỡ. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thanh long là DN nhỏ, vừa, yếu thế, nhưng lại ít khi hợp tác, còn tranh mua, tranh bán, gây rối thị trường. “Hiện thương lái Trung Quốc vào tận nơi mua trực tiếp nông sản của Việt Nam, gây nhiều hệ lụy. Nhiều người đi theo con đường du lịch, nhưng thực chất là vào tận nơi để thu mua nông sản, đề nghị phía công an làm rõ”- vị này đề nghị.

Cũng theo đại diện Sở Công Thương Bình Thuận, riêng thị trường Trung Quốc cần xúc tiến tăng xuất khẩu chính ngạch, giảm áp lực cho biên mậu. Vị này nói: “Nên có văn phòng các hiệp hội ở một số thành phố trong nội địa Trung Quốc. Đồng thời cần tập huấn về cách mua bán với thương nhân Trung Quốc, chứ chơi với họ nhiều chuyện không nói trước được”.

Theo các địa phương, muốn hay không, việc buôn bán biên mậu với Trung Quốc khả năng sẽ còn lâu dài. Do vậy, cần làm tốt khâu bảo quản, kho lạnh để tránh hiện tượng bị thương lái Trung Quốc ép giá khi vào chính vụ.

“Đói” thông tin dự báo

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhu cầu nhập khẩu rau quả nhiệt đới Việt Nam rất lớn. Đặc biệt, những thị trường phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… dù khắt khe về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nhưng giá bán rất cao. “Thanh long, chôm chôm, nhãn, vải của Việt Nam có thể xuất được vào Mỹ. Quả thanh long sang Mỹ có thể giá cao gấp 10 lần xuất sang Trung Quốc”- ông Hồng nói.

“Chúng ta chưa biết loại quả gì phù hợp với nhu cầu của nước nhập khẩu, thiếu thông tin về hàng rào kỹ thuật của họ. Khi mở cửa thị trường, cũng phải tính toán rau quả nào xuất được sang đó, vì nếu mở ra mà DN ta không xuất được thì rất dở... Các tham tán thương mại hiểu rõ nhất việc này, nhưng thông tin thì rất hiếm”.

Ông Nguyễn Xuân Hồng

Tuy nhiên, theo ông Hồng, hiện khó nhất với nông sản Việt Nam là thiếu thông tin về thị trường. “Chúng ta chưa biết loại quả gì phù hợp với nhu cầu của nước nhập khẩu, thiếu thông tin về hàng rào kỹ thuật của họ… Khi mở cửa thị trường, cũng phải tính toán rau quả nào xuất được sang đó, vì nếu mở ra mà DN không xuất được thì rất dở. Các tham tán thương mại hiểu rõ nhất việc này, nhưng thông tin thì rất hiếm”- ông Hồng nói. Ngoài ra, theo ông Hồng, cần quy hoạch sản xuất rau quả theo từng thị trường, vì những yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật của mỗi thị trường là khác nhau.

Liên quan thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, cần tìm hiểu kỹ, vì đây là thị trường rất lớn. “Nắm rõ được thông tin trái cây của Việt Nam đến Lạng Sơn, Lào Cai… là từ tỉnh nào của ta, khi xuất sang Trung Quốc, được chuyển về Bắc Kinh hay là Quảng Đông”. Theo ông Doanh, phải quy hoạch từng cây, mùa vụ, thời gian thu hoạch, để tính toán, để liên thông về vấn đề thị trường cho tốt.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, vụ dưa hấu vừa rồi, Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo các địa phương, đề nghị rà soát, báo cáo sản lượng, diện tích, để phối hợp với các tỉnh biên giới, tạo điều kiện thông quan, nhưng không tỉnh nào có câu trả lời. “Chúng tôi phải nắm thông tin qua báo chí và kiểm tra thực tế. Đã có sự đứt đoạn trong khâu thông tin”- ông Tuấn Anh nói.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, bộ này sẽ phối hợp, nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm cung cấp thông tin (có thể qua điện thoại di động), để cung cấp cho lãnh đạo địa phương, DN, hợp tác xã, địa phương, đặc biệt là thông tin về thị trường, nhóm ngành hàng trọng điểm. Các thông tin dự báo thị trường, ngắn, dài hạn để phục vụ điều hành. Những thông tin này cũng là cơ sở để Bộ NN&PTNT làm quy hoạch các mặt hàng nông sản, trong đó có trái cây.

MỚI - NÓNG