Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa cho biết, từ đầu năm đến nay, liên tục quý nào cũng xảy ra thiên tai và đều ở mức độ khốc liệt. Đầu năm, trận rét đậm, rét hại lịch sử 60 năm xảy ra ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc, gây ra thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp.
Sau đó là đợt hạn lịch sử tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, cùng với đó là hạn, mặn lịch sử (100 năm) ở Đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây nhất, ở chiều ngược lại, từ đầu tháng 10/2016 đến nay, liên tục 8 tỉnh Nam Trung bộ hứng chịu 5 đợt mưa lũ lịch sử với lượng mưa lên đến 2.300mm - 2.700mm.
Chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai và sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung nên sáu tháng đầu năm, tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm 0,18%. Tuy nhiên, toàn ngành đã vượt khó để đẩy tăng trưởng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%; giá trị sản xuất tăng 1,44%.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm chưa đạt 200.000 tấn. Tuy vậy, từ tháng 6 trở đi, ngành thủy sản đã tập trung đẩy mạnh vào việc thả nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, nên sản lượng đã tăng vọt đạt 650.000 tấn trong 6 tháng cuối năm, diện tích thả nuôi cũng được mở rộng lên 700.000 ha.
Nhờ đó, xuất khẩu tôm cả năm nay ước đạt 3,2 tỷ USD, cá tra cũng khởi sắc nhờ giá và đạt giá trị xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD. Tính chung, toàn ngành thủy sản xuất khẩu đạt khoảng 7 tỷ USD.
Trong khi đó, chăn nuôi cũng được coi là ngành có sự “bùng nổ” trong năm nay với tổng đàn lợn tăng lên 29,1 triệu con, đàn gia cầm tăng lên 364,5 triệu con.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Trong năm vừa qua, nước ta đã xuất khẩu được 600.000 tấn lợn hơi sang Trung Quốc với giá trị hơn 1 tỷ USD, nhưng việc xuất khẩu này vẫn chưa bền vững do chúng ta chủ yếu xuất qua con đường tiểu ngạch. Do đó, nếu làm căn cơ, riêng ngành chăn nuôi có thể đảm bảo xuất khẩu tới 2 triệu tấn lợn sang thị trường này”.
Đặc biệt, năm 2016 đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong xuất khẩu rau quả. Lần đầu tiên “vượt qua mặt hàng gạo“, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015.
Cùng đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như: Cà phê tăng 25,5%, hạt điều tăng 18,3%, hạt tiêu tăng 12,7%, thủy sản tăng 6,3%. Việt Nam vẫn duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1tỷ USD trở lên.
Theo Bộ NN&PTNT, lĩnh vực đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Tính đến nay, cả nước đã xây dựng được 4.000 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Trong đó, đã phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn.
Ngoài ra, vấn đề chất cấm Salbutamol và Vàng Ô trong chăn nuôi cũng được đẩy lùi. Tới đây, có thể đưa chất Cystemine vào danh mục chất cấm.
Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, năm 2016, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã xử lý vi phạm được số tiền là 6 tỷ đồng liên quan đến lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm.