Không thể phủ nhận thành tích của xuất khẩu trong bộn bề công việc năm 2014 với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mốc kỷ lục trên 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013. Rõ ràng xuất khẩu đã đóng góp tích cực vào phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế và giữ ổn định kinh tế vĩ mô khi thặng dư cán cân thương mại cũng lập kỷ lục mới gần 2 tỷ USD. Nhưng...
Những gam xám phụ thuộc
Trong bối cảnh không ít khu vực kinh tế vẫn đối mặt với những khó khăn về tồn kho, tiêu thụ thậm chí thua lỗ, phá sản thì không quá khi một số ý kiến đánh giá xuất khẩu là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014. Tuy vậy, bên cạnh gam màu sáng chủ đạo của xuất khẩu vẫn còn những mảng xám khiến cho tấm huy chương xuất khẩu bớt lấp lánh. Hơn nữa, đó lại là những gam màu tối chúng ta đã nhận ra song chưa thể thay đổi sau hơn hai thập kỷ.
Trước hết, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 tuy vẫn tăng cao hơn so với kế hoạch, song vẫn thấp hơn so với năm 2012-2013 và chưa bằng 1/2 so với tốc độ tăng của năm 2011 (xuất khẩu tăng 34,2% so với năm trước). Dấu hiệu xuất khẩu “hụt hơi” đã xuất hiện tuy chưa rõ ràng trong bối cảnh cơ cấu hàng hóa xuất khẩu và cơ cấu thị trường xuất khẩu chưa có chuyển biến hứa hẹn tạo ra nhiều đột phá mới.
Dù có sự chuyển dịch cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu nhất định song nhóm công nghiệp nặng và khoáng sản vẫn chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tỷ trọng xuất khẩu của nhóm công nghiệp nhẹ tụt xuống dưới 40%, còn của nhóm nông thủy sản cũng xuống dưới 20%. Nếu đây là sự chuyển dịch có chủ đích và chiến lược rõ ràng sẽ là tín hiệu đáng mừng. Song, sự chủ động trong chiến lược cơ cấu lại nhóm hàng xuất khẩu nói chung, từng mặt hàng xuất khẩu chủ lực nói riêng dường như đang dần tuột khỏi tay chúng ta.
Số lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch trên 1 tỷ USD tiếp tục tăng lên đến 19. Trong đó, dẫn đầu là nhóm điện thoại và linh kiện tăng 13,4%, gấp đôi so với năm 2012. Ngoại trừ sự đột biến của nhóm điện thoại và linh kiện, các nhóm hàng xuất khẩu truyền thống như dệt may, điện tử, máy tính và linh kiện giày dép, thủy sản vẫn duy trì vị trí.
Bên cạnh đó, những nhân tố cũ mà mới cũng có thành tích xuất khẩu ấn tượng so với năm trước như rau quả (tăng 36,7%), hạt tiêu (tăng 35,5%), cà phê (tăng 30,8%) và nhóm túi xách, ví, vali, mũ, ô dù (tăng 30,3%). Trong khi một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác lại có thành tích kém ấn tượng hơn hẳn, như dầu thô (tăng 8,9% về lượng nhưng lại giảm 0,7% về giá trị), gạo (giảm 2,7% về lượng), cao su (giảm 0,6% về lượng nhưng giảm tới 28,1% về giá trị) và đặc biệt là than đá (giảm chỉ còn hơn một nửa cả về lượng và giá trị).
Lời giải cho bài toán cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn loay hoay với những nan đề như quá phụ thuộc vào sự bất định của thị trường quốc tế, chủ yếu dựa vào gia công lắp ráp và xuất khẩu thô. Nói cách khác là vẫn “có gì xuất nấy” mà chưa có chiến lược xuất khẩu được xây dựng dựa trên lợi thế so sánh với năng suất lao động cao và chiếm vai trò chủ động trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thay đổi chiến lược hút FDI
Vai trò của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thành tích xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được khẳng định một cách vững chắc trong những năm gần đây. Trong khi đóng góp của khu vực kinh tế trong nước vào kim ngạch xuất khẩu thể hiện sự lép vế và thua kém rõ rệt dù hoạt động xuất khẩu nhận được ưu đãi mức cao nhất nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu.
Năm 2014, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 18,2% so với năm trước, lên đến 43,7 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu. Còn nhập siêu từ Trung Quốc lên mức kỷ lục 28,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm 2013.
Năm 2014, dù xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước vẫn tăng 10,4% so với năm trước song vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng 15,2% của khu vực FDI. Với con số này, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tụt xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, còn dưới 1/3.
Có thể nói, việc khu vực kinh tế trong nước đánh mất vai trò trong tăng trưởng xuất khẩu bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 21 do những yếu kém, hạn chế chậm được khắc phục. Khoảng cách năng lực xuất khẩu giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI ngày càng doãng rộng, càng được khoét sâu hơn sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Nếu các doanh nghiệp của chúng ta không xây dựng được chiến lược xuất khẩu hiệu quả và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI xuất khẩu hàng đầu thì ngay cả qui mô xuất khẩu cũng khó tăng lên chứ chưa nói đến lợi ích thu được từ xuất khẩu sẽ chuyển hết sang tay các nhà đầu tư nước ngoài. Kéo theo đó là năng lực xuất khẩu của đất nước mất quyền chủ động.
Một điểm đặc biệt đáng lưu tâm, dù nước ta chuyển sang trạng thái thặng dư thương mại từ năm 2012 (sau hàng thập kỷ thâm hụt triền miên), song khu vực kinh tế trong nước vẫn đắm chìm trong trạng thái thâm hụt. Đây có thể là mảng màu tối nhất trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam.
Nếu năm 2008 kỷ lục nhập siêu cao nhất hơn 18 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước cũng lập kỷ lục nhập siêu tới trên 24,5 tỷ USD. Tới năm 2014 khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu hơn 15 tỷ USD trong khi khu vực FDI lập kỷ lục xuất siêu hơn 17 tỷ USD. Bức tranh tương phản liên tục xuất siêu của khu vực FDI với liên tục nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước dường như không dễ thay đổi. Vai trò cứu cánh cho cán cân thương mại của khu vực FDI sẽ tiếp tục được củng cố và duy trì tới chừng nào khu vực kinh tế trong nước giải được bài toán cân đối xuất nhập khẩu.
Song hành cùng niềm vui xuất siêu lại là không ít nỗi lo khi tổng kim ngạch nhập khẩu tăng thấp hơn kế hoạch được giải thích do hàng chục vạn doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí buộc phải giải thể và dừng hoạt động.
Nếu nhập khẩu giảm do sản xuất trong nước đã tự lực cánh sinh được nhờ phát triển công nghiệp phụ trợ, nhờ tăng cung cấp nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu thì thật đáng mừng, song hiện chưa đủ bằng chứng cho nỗi mừng này.
Ngoài ra, sự phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường nhập khẩu không chỉ gây khó khăn trong đảm bảo an ninh kinh tế mà còn cản trở nhập khẩu công nghệ tiên tiến và hàng hóa dịch vụ có chất lượng cao, kìm chân Việt Nam ở khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Gần như toàn bộ nỗ lực của chúng ta xuất siêu sang các thị trường khác bị vô hiệu hóa bởi mức nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc.
Như vậy, rõ ràng, bức tranh xuất khẩu của nước ta sẽ hoàn mỹ và tươi sáng hơn rất nhiều nếu có thêm những nỗ lực cơ cấu lại toàn diện và hiệu quả cả ở cấp vĩ mô cũng như cấp vi mô.