Ngày 18/12, tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” do báo Người Lao Động tổ chức, ông Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) - nói rằng, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương, đất nước… Nhiều người khi về nước tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động với tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan - phát biểu tại tọa đàm. |
Hiện có khoảng 450 doanh nghiệp (DN) được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, sắp tới có thể lên 500 DN vì thị trường đang rộng mở.
Tuy nhiên, ông Hoan cho rằng nhức nhối nhất hiện nay là nhiều DN không có giấy phép, không có chức năng phái cử lao động nhưng vẫn quảng cáo tuyển dụng, nhận hồ sơ, thậm chí nhận tiền của người lao động rồi không thực hiện hợp đồng mà chuyển cho các đơn vị có chức năng.
Nhiều DN cạnh tranh không lành mạnh nên thông tin về lương không chính xác, làm người lao động ảo tưởng thu nhập cao, hoặc thời gian đào tạo ngắn, ngoại ngữ không cần. "Tôi khẳng định không có việc giản đơn, lương cao, đào tạo ngắn” - ông Hoan nhấn mạnh.
Theo ông Hoan, việc này làm cho thị trường nhiễu loạn, ảnh hưởng an ninh trật tự và làm tăng mức chi phí cho người lao động khi có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc. Việc này đang được Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các cấp chính quyền rà soát để thanh kiểm tra và giao các cơ quan xử lý.
Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại ngày hội việc làm tổ chức tại TPHCM. |
Đơn cử như tỉnh Long An, năm nay gần 1.200 lao động ra nước ngoài làm việc, chủ yếu là Nhật Bản. Trong khi năm 2023 con số này chỉ khoảng 800 người, năm 2020 là 500 người.
Ông Nguyễn Đại Tánh - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An - cho biết, tỉnh xác định đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống mà còn xem nguồn lao động đi xuất khẩu là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của tỉnh nhà. Khi trở về nước, nguồn lực này chính là nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao của các DN trên địa bàn tỉnh.
“Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn có những giải pháp tốt để công tác đưa người lao động ra nước ngoài làm việc được thuận lợi hơn, có thêm nhiều thị trường cao hơn, tốt hơn cho người lao động” - ông Tánh chia sẻ.
Theo các chuyên gia lao động, một trong những vấn đề lớn nhất của lao động xuất khẩu Việt Nam là thiếu hụt về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Mặc dù có sự nỗ lực trong công việc, nhiều lao động vẫn chưa có đủ kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường lao động quốc tế.
Trong khi các ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao như kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ khí… thì số lượng lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu này còn rất ít. Điều này khiến cho lao động Việt Nam chủ yếu bị giới hạn trong các công việc phổ thông, có mức thu nhập thấp hơn và ít cơ hội thăng tiến.
Để nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu, ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, trước hết bản thân người lao động phải có chất lượng cao. Điều này liên đến trình độ, kỹ năng, khả năng ngoại ngữ… Bên cạnh đó, các hoạt động của DN cung cấp dịch vụ nước ngoài nước cho người lao động phải tốt, khai thác thị trường hiệu quả, có giải pháp bảo vệ người lao động. Song song đó, Nhà nước cần đảm bảo môi trường lành mạnh để người lao động đi làm việc ở nước ngoài.