Xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt kỷ lục 15,87 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm 2021, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,87 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020. Đây là một 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD cả nước. Giá trị xuất siêu lâm sản lớn nhất trong nhóm các ngành nông lâm thủy sản đóng góp quan trọng vào giá trị xuất siêu của ngành.

Chiều 28/12, Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới 6 Vườn quốc gia thuộc Tổng cục, 4 Chi cục Kiểm lâm vùng.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (BộNN&PTNT) cho biết, đến nay, 5/5 chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp đều đạt và vượt mục tiêu đề ra trong năm 2021.

Trong đó, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 15,87 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020 (riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,72 tỷ USD). Đáng chú ý, xuất siêu ước cả năm đạt 12,94 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ.

Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.115 tỷ đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%, tăng 0,01% tương ứng 3.300 ha so với năm 2020.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt kỷ lục 15,87 tỷ USD ảnh 1

Gỗ và lâm sản là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD của cả nước

Đến hết tháng 12/2021, giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm trên 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông lâm thủy sản cả nước; đạt 4,7% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc và là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Giá trị xuất siêu lâm sản lớn nhất trong nhóm các ngành nông lâm thủy sản đóng góp quan trọng vào giá trị xuất siêu của ngành.

Theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, trong năm 2021, do tác động của dịch bệnh COVID-19, Tổng cục đã chủ động, thường xuyên phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản để nắm bắt tình hình, tham mưu Bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; theo dõi và phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện và xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế.

Cũng trong năm 2021 cả số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại cơ bản đều giảm so với năm 2020... Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được kiểm soát chặt chẽ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng cục Lâm nghiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến các hoạt động sản xuất lâm nghiệp.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt kỷ lục 15,87 tỷ USD ảnh 2

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới 6 Vườn quốc gia thuộc Tổng cục, 4 Chi cục Kiểm lâm vùng.

Bên cạnh đó, vẫn còn các điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ tại một số vùng trọng điểm như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân thiếu đất sản xuất, tình trạng di dân tự do, chuyển diện tích đất rừng sang trồng cây công nghiệp, nông nghiệp và khai thác rừng tự nhiên trái phép.

Năm 2022, ngành lâm nghiệp đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phấn đấu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng 42%, nâng cao chất lượng rừng. Trồng 230.000 ha rừng tập trung, trồng 122 triệu cây phân tán. Khai thác 31,5 triệu m3 gỗ; phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu lâm sản 16 tỷ USD. Thu dịch vụ môi trường rừng 3.000 tỷ đồng.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp đã đề ra 10 nhóm giải pháp, trong đó trọng tâm là bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án trọng điểm.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.

Cùng ngành lâm nghiệp sẽ tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, kết quả xuất khẩu 15,87 tỷ USD của ngành lâm nghiệp trong năm 2021 là "siêu kỷ lục" và "không thể hình dung được con số này vào cuối năm 2020".

Xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt kỷ lục 15,87 tỷ USD ảnh 3

Năm 2022, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu trồng 230.000 ha rừng tập trung, trồng 122 triệu cây phân tán.

Theo ông Doanh, lâm nghiệp hiện chiếm khoảng một phần ba tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Với nhiều dư địa như hiện tại, ngành lâm nghiệp được dự báo là sẽ tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu trong thời gian tới.

Ông Doanh lưu ý một số vấn đề ngành lâm nghiệp cần tập trung trong thời gian tới như: Phát triển dịch vụ môi trường rừng, kinh tế dưới tán rừng, bán chứng chỉ cacbon sao cho tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.

Cùng đó, cần nhìn nhận việc bảo vệ rừng hiện thường hiện nay còn ở thế bị động. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải được kiểm tra, rà soát chặt chẽ, không được phép sai sót.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng lưu ý ngành lâm nghiệp tích cực tham gia chuyển đổi số, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, tăng kỹ năng quản trị hệ thống; đồng thời phát triển hơn nữa các kỹ thuật nhân giống, trồng và bảo vệ rừng bền vững.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.