Xuất khẩu 2018: Chinh phục nhiều mục tiêu mới

Năm 2018, ngành thủy sản xuất khẩu đột phá với 9 tỷ USD. Ảnh: U.P
Năm 2018, ngành thủy sản xuất khẩu đột phá với 9 tỷ USD. Ảnh: U.P
TP - Xuyên suốt năm 2018, xuất khẩu Việt Nam duy trì nhịp tăng trưởng cao trên mọi lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp, chế biến… Tất cả tạo nên nội lực dồi dào cho doanh nghiệp (DN) TPHCM bước vào thực hiện các nhiệm vụ mới trong năm 2019.  

Đơn hàng “bay” về

Những ngày qua, ngành lúa gạo Việt Nam liên tiếp đón nhận tin vui khi đã xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2018, mặt hàng xuất khẩu gạo đạt 6,15 triệu tấn, mang về 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2017. Chưa hết, hồi cuối tháng 12/2018, Bộ NN&PTNT đã chính thức công bố logo thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam nhằm quảng bá sản phẩm, giữ gìn uy tín và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt gạo. Với những ưu thế đó, ngành lúa gạo kỳ vọng vào một năm khởi sắc.

Anh Lý Xuân Nghị, chủ cơ sở Hoàng Long (Q.8) chuyên thu mua nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long phấn khởi: “Năm nay nông dân trồng gạo trúng mùa bội thu, giá cả ổn định vì DN xuất khẩu đã ký kết được những hợp đồng lớn, dài hạn. Ngay từ những ngày đầu năm mới, chúng tôi cũng đã đàm phán xong kế hoạch với đối tác ngoại, hy vọng sẽ xuất được những đơn hàng lớn ngay từ quý I/2019”.

Ngành gỗ gây bất ngờ nhất với thành tích xuất khẩu ước tính tới 9,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm trước. Trong năm 2018, nhiều DN đã ký được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn, lên đến hàng chục triệu USD. Hiện, nhiều DN đồ gỗ đã ký được hợp đồng xuất khẩu đủ cho hoạt động cả năm 2019. 10% DN ngành gỗ đã có phòng ban thiết kế sản phẩm mới để chào bán ra nước ngoài và đều thành công.

Ngoài ra, nhờ mạnh tay đầu tư công nghệ mới giúp năng suất của mỗi công nhân tăng mạnh từ giá trị khoảng 20.000USD/năm lên 35.000USD/năm. Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long (Bình Dương) cho biết, DN đã đầu tư công nghệ mới và có phòng thiết kế mẫu riêng. Những sản phẩm do chính công ty thiết kế mẫu có giá cao hơn 10%-20% so với mẫu có sẵn của khách hàng đặt làm. “Năm qua, công ty có nhiều hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các resort ở Mỹ, Nhật Bản, mỗi đơn hàng lên tới 3-4 triệu USD”.

Những mục tiêu mới

Năm 2018, công ty CP Sài Gòn Food đạt tổng doanh thu 1.900 tỷ đồng, tăng 130% so với năm 2017. Thành tích này có được là nhờ công ty đã đưa phân xưởng 4 vào hoạt động với 100% công suất, nâng tổng sản lượng lên gấp đôi so với năm ngoái. “Sài Gòn Food cung cấp hơn 50 mặt hàng đông lạnh cao cấp cho Nhật Bản. Doanh thu nội địa hiện nay của Sài Gòn Food là 40%, xuất khẩu 60%, dự kiến từ nay đến năm 2010, công ty sẽ nâng tỷ trọng doanh thu giữa nội địa và xuất khẩu là 50-50, thay vì 40-60 như hiện tại. Mục tiêu năm 2019, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng 50% doanh thu và sản lượng” - bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Sài Gòn Food kỳ vọng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thủy sản xuất khẩu đột phá với 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2017, hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2019. Trong đó, xuất khẩu cá tra tăng trưởng ở hầu hết các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU, đạt khoảng 2,3 tỷ USD. Mặc dù nhiều nước trên thế giới đã phát triển nuôi cá tra nhưng Việt Nam vẫn chiếm trên 52% thị phần. Vấn đề DN cá tra Việt Nam cần làm là tự chấn chỉnh nội bộ để duy trì lợi thế cạnh tranh chứ không phải áp lực từ bên ngoài - một DN xuất khẩu cá tra nhìn nhận.

Số liệu từ Sở Công Thương TPHCM cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 38,32 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2017; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 47,3 tỷ USD, tăng 9,3% với mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng... Đối với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, ước đạt 1.045.789 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Các DN sản xuất, kinh doanh và cung ứng trong nước đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng làm tăng sức mua của người tiêu dùng.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM nhận định, năm 2018, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 8,3% so với cùng kỳ. “Tình hình thị trường trong nước đang trên đà tăng trưởng tốt so với năm 2017, qua đó góp phần bù đắp sự tăng trưởng chưa bền vững của thị trường xuất khẩu do những biến động khó lường của thương mại quốc tế, đồng thời tạo động lực đòn bẩy để kích thích sản xuất trong nước, nhất là đối với những doanh nghiệp sản xuất những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu” - ông Kiên nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG