Một blogger, đồng thời là nhà nghiên cứu nổi tiếng về xe tăng - ông Andriy Tarasenko, hôm 25/1 công bố một đoạn video trên Telegram và cho biết: "Các nhà phát triển của Nga đã lắp đặt hệ thống tên lửa chống tăng trên máy bay không người lái, cho thấy khả năng bắn từ trên không và trên mặt đất. Tuy nhiên, ATGM được tích hợp trên máy bay không người lái lại không có bộ dẫn đường nên rất khó có thể đạt được sự chính xác".
Đoạn video được công bố cho thấy một máy bay không người lái được trang bị ATGM cất và hạ cánh. |
Theo đoạn video được công bố, loại tên lửa chống tăng được lắp đặt trên máy bay thuộc loại ATGM 9K111 Fagot. Đặc biệt, hai phương thức bắn được thể hiện trong đoạn video là bắn từ mặt đất và từ trên không. Tuy nhiên, theo đánh giá, phương thức thứ hai được cho là kém hiệu quả do nền tảng không ổn định.
Kể từ đầu năm 2023, Nga tích cực tăng cường sản xuất cũng như cải tiến các loại máy bay không người lái để đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao trên chiến trường. Hồi tháng 12, Nga tiết lộ đã triển khai chiến lược quân sự mới bằng cách trang bị lựu đạn nhiệt áp TBG-7V cho máy bay không người lái cảm tử.
Các chuyên gia quân sự đánh giá, việc Nga sử dụng máy bay không người lái cảm tử được trang bị vũ khí như vậy ở Ukraine mang lại một số lợi thế chiến thuật cho quân đội nước này, bao gồm phạm vi chiến đấu được mở rộng và độ chính xác cũng được tăng lên.
Hệ thống tên lửa chống tăng 9K111 Fagot (tên mã NATO: AT-4 Spigot) được phát triển từ năm 1962 và đưa vào biên chế quân đội Liên Xô năm 1970. Hệ thống gồm 3 thành phần chính: Đạn tên lửa 9M111 đặt trong ống phóng; giá phóng 9P135; thiết bị dẫn đường 9S451 và kính ngắm 9Sh119.
Hệ thống Fagot có tầm bắn hiệu quả 70-2.000m, tên lửa được điều khiển bằng dây dẫn và chỉ huy bám bắt mục tiêu bán tự động (SACLOS) và có khả năng xuyên 400mm thép đồng nhất (RHA).