Ngày 25/12, tại cuộc giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã báo cáo kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FĐI) và cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, Thành phố đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 7,501 tỷ USD, tăng 2,18 lần so với năm 2017. Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã cấp phép cho 616 dự án mới, vốn đầu tư đăng ký mới là 5,03 tỷ USD.
Trả lời câu hỏi của PV về dự án 15.000 tỷ của đại gia Xuân Trường tại Chùa Hương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Ngọc Nam cho biết, hiện khu vực Chùa Hương không chỉ có doanh nghiệp Xuân Trường mà còn có 3 – 4 dự án khác được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chấp thuận. Trong đó có cả về tâm linh, cáp treo liên quan đến cả Hòa Bình và Hà Nội
Cụ thể, doanh nghiệp Xuân Trường đề nghị hơn 1.000 ha, trong đó có gần 400 ha chồng lấn lên nhau với các dự án đi trước. Để giải quyết phần chồng lấn lên nhau, UBND thành phố đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư họp lại với các nhà đầu tư với nhau. Theo đó phải xây lại một quy hoạch tổng thể. “Để chúng ta đầu tư một khu vực tâm linh khai thác vẻ đẹp của Hương Sơn”, ông Nam nói.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, các nội dung mang tính chất liên quan hiện Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cùng với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, các nhà đầu tư trao đổi để xây dựng một quy hoạch tổng thể khu vực này, làm cơ sở cho các nhà đầu tư thực hiện.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về việc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã có đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức với quy mô khoảng 1.000ha (phía bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía nam giáp khu du lịch Tam Chúc của tỉnh Hà Nam, phía tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam), tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Dự án gồm các hạng mục như sau: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng.
“Nếu được triển khai, Doanh nghiệp Xuân Trường cam đoan khu du lịch tâm linh Hương Sơn sẽ trở thành di sản văn hóa cùng với khu du lịch Tam Chúc Hà Nam vào năm 2028; khi khu du lịch hoàn thành, sẽ đón từ 6-8 triệu lượt khách/năm, tạo việc làm cho 30.000 lao động và ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm”, văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay.