Xuân Đức, hồn về với Cửa gió

NGUYÊN KHÁNH
NGUYÊN KHÁNH
Tin nhà văn Nguyễn Xuân Đức qua đời ở tuổi 74 khiến bạn bè văn giới bàng hoàng. Nhà văn Quảng Trị bút lực dồi dào ấy ra đi đột ngột sau một cú ngã.

CÂY VIẾT VẠM VỠ

Nhà văn Nguyễn Xuân Đức qua đời vào lúc 21h tối 20/6 tại nhà riêng ở thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Người thân kể lại, ông bắc thang buộc chiếc bạt chống cái nắng thiêu đốt miền Trung. Sau cú ngã, ông được đưa đi cấp cứu nhưng vô phương cứu chữa.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh kể, nghe tin anh cùng bạn bè vội chạy tới nhưng bậc đàn anh nhắm mắt xuôi tay chục phút trước, không kịp từ biệt gia đình, bạn bè. Người vợ hiền thẫn thờ ngồi bệt, dựa tường nhìn người bạn đời im lặng đi vào cõi thiên thu.

Nhà văn Nguyễn Xuân Đức trong mắt của đàn em Nguyễn Quang Vinh là người hiếm hoi gắn bó cả đời và sự nghiệp với quê hương Bến Hải. Khoảng 80% trang viết của Xuân Đức đều lấy chất liệu từ đời sống con người Vĩnh Linh, Quảng Trị. “Dường như anh phải quay quắt với mảnh đất này mới sáng tác được như thế. Quảng Trị mang ơn anh Xuân Đức, bởi nhờ những sáng tác của anh mà mảnh đất và con người Quảng Trị được biết đến cặn kẽ, chân thực như thế”, Nguyễn Quang Vinh nói.

“Xuân Đức là tác giả vạm vỡ, mặc dù ông bắt đầu sự nghiệp bằng thơ. Năm 1967 ông có trường ca Trăng cồn cỏ, thời bấy giờ được Chế Lan Viên đánh giá cao”, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết. Xuân Đức gia nhập Tiểu đoàn 47 quân địa phương Vĩnh Linh năm 1965, chiến đấu tại mảnh đất Quảng Trị. Ông tham gia viết báo cho báo quân đội của Khu đội Vĩnh Linh, Quân khu 4. Năm 1979, ông theo học Trường Viết văn Nguyễn Du khoa đầu tiên, sau đó công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị cho tới khi giải ngũ năm 1990 với hàm Trung tá.

Ông giải ngũ và trở về Thị xã Đông Hà, Quảng Trị và công tác tại Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Quảng Trị với cương vị Phó Giám đốc Sở. Từ năm 1995-2006 ông là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị, Tổng Thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị. Nhà văn Xuân Đức nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2007 cho cụm tác phẩm: Cửa gió, Người không mang họ, Tượng đồng đen một chân. Ông nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết Cửa gió, Giải thưởng văn học Bộ nội vụ cho tiểu thuyết Người không mang họ, Giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2002-2004 cho Bến đò xưa lặng lẽ.

Giai đoạn gia nhập tiểu đoàn 47, Xuân Đức vừa đánh giặc vừa tham gia đội tuyên truyền văn hóa, viết kịch bản cho anh em biểu diễn. Nhiều vở kịch hình thành trong giai đoạn này. Năm 1976, ông viết kịch Tổ quốc, chung với Đào Hồng Cẩm. Dấu mốc đưa ông chính thức bước vào văn xuôi đánh dấu với Nhật ký người gỡ mìn. “Đó là tác phẩm văn xuôi đầu tiên của ông, tôi đọc và cho rằng Xuân Đức là cây bút vạm vỡ. Ông tài khắc họa tâm lí nhân vật, đối thoại rất khác. Nhiều nhà văn ta viết đối thoại đưa đẩy, còn Xuân Đức trong đối thoại có tính hành động, lột tả tâm lý nhân vật- đối thoại có tính kịch. Viết thoại được như thế hiện mới có Xuân Đức. Nguyễn Văn Thọ cũng có được một phần”, Trần Đăng Khoa đánh giá.

Gia tài kịch bản của Nguyễn Xuân Đức đáng ngưỡng mộ. Hàng loạt kịch bản được dàn dựng và công diễn thành công: Người mất tích, Chứng chỉ thời gian, Đợi đến bao giờ, Đám cưới li biệt, Cuộc chơi, Cái chết chẳng dễ dàng gì, Ám ảnh, Chuyện dài thế kỷ, Đối mặt, Kìa bên ngõ xa. Ông nhận nhiều giải thưởng sân khấu như: Giải thưởng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 1995 cho kịch bản Cuộc chơi, Giải thưởng cuộc vận động viết về chiến tranh cách mạng, Giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc với Cái chết chẳng dễ dàng gì, Chuyến tàu tốc hành trong đêm nhận Giải thưởng Kịch bản sân khấu năm 2007.

THÔNG MINH, ẤM ÁP

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh đang ấp ủ chương trình sân khấu thực cảnh về Vĩ tuyến 17 vào dịp 7/9 tới, dựa trên kịch bản văn học của Xuân Đức. Anh nói, chính Xuân Đức là người thầy đầu tiên đưa anh vào nghề sân khấu, văn chương. “Các sáng tác của anh Xuân Đức lạ lắm. Anh không quan trọng hóa điều gì cả, những điều viết ra không cần màu mè. Những trang viết cháy bỏng hiện thực cuộc sống. Những ai có dịp tiếp xúc với anh đều cảm nhận thấy sự sâu sắc ở anh, một nhà văn có vốn sống dồi dào. Anh có góc nhìn về cuộc đời rất ấm áp. Có những nhà văn nhìn đời cay đắng, vật vã, giễu cợt, còn Xuân Đức nhìn đời ấm áp, thông minh”, Nguyễn Quang Vinh nhận định.

Sự thông minh thể hiện ở chỗ, Nguyễn Xuân Đức biết cách truyền tải thông điệp gay cấn vào những trang viết sao cho chấp nhận được, vượt qua được cánh cửa kiểm duyệt. Chẳng hạn, trong vở Nhiệm vụ hoàn thành viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có những khúc đoạn lịch sử dễ đụng chạm, nhưng ông biết cách vượt qua. Nguyễn Quang Vinh cho rằng, Xuân Đức sinh ra ở mảnh đất Vĩnh Linh, Quảng Trị và cả đời và sự nghiệp gắn bó với mảnh đất này, nên hơn ai hết ông hiểu rõ lịch sử, cả những số phận chấp chới ở địa giới Vĩ tuyến 17 một thời này. “Anh giàu vốn sống, chính kiến mạnh mẽ và yêu đất nước. Anh hướng mọi sự vào sự hòa thuận, hòa hợp và hàn gắn. Điều này theo anh suốt 50 năm cầm bút không phải chuyện đùa”, Quang Vinh nói.

Trong mắt bạn bè văn giới, Xuân Đức là người ấm áp. Ông đối đãi với bạn bè bằng sự tận tâm, không giễu cợt, không gây thù chuốc oán với ai. Suốt thời gian dài ngồi ghế Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị, Xuân Đức vẫn giản dị, không chảnh chọe. Sau này khi nghỉ hưu, ông nhường mọi sự tốt đẹp cho con cái, hai vợ chồng lui về Cửa Việt cất gian nhà và nuôi đàn gà, đàn vịt và làm nơi tụ bạ của bạn bè văn giới.

Nhắc tới Xuân Đức, Trần Đăng Khoa có thể kể hàng tá kỷ niệm. Hai ông ở cùng nhau ở trại sáng tác quân đội, sau này họ cùng nhau chiến đấu ở chiến trường Tây Nam. Họ từng hai lần chết hụt ở Campuchia do lọt vào ổ phục kích. Ở lớp sáng tác quân đội có 34 người, Trần Đăng Khoa nhìn thấy sự thông minh ở Xuân Đức. Ba cái tên nổi lên khi ấy là Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường và Xuân Đức, sau này đều thành những nhà văn hiện đại tiếng tăm.

“Hồi đó anh em viết được tác phẩm nào đều đọc cho nhau nghe. Lê Lựu giỏi tóm và đặt vấn đề. Nhiều người viết như kể lại câu chuyện, muôn năm không thành nhà văn, còn Lê Lựu thường gọi tên ra ngay thông điệp trong tác phẩm. Nguyễn Khắc Trường thẩm định rất giỏi, ông ấy bảo hay là hay, còn nói dở thì yên tâm mà vứt. Chỉ có điều ông không chỉ ra cụ thể được. Xuân Đức vốn kiêm nhà viết kịch, đạo diễn nên khi Khắc Trường bảo chỗ này, chỗ kia không được, Xuân Đức có thể đọc ra ngay. Xuân Đức trong đời sống cũng là người thông minh, nắm bắt tâm lý con người rất giỏi. Chỉ cần vài câu nói là hiểu bụng dạ con người. Với bạn bè tận tình, chu đáo”, Trần Đăng Khoa kể.

Xuân Đức, hồn về với Cửa gió ảnh 1 “Cửa gió”, tiểu thuyết 2 tập xuất sắc nhất của ông

Người trong nghề đánh giá Xuân Đức cao nhất ở mảng văn học, bởi kịch bản sân khấu khi đưa lên sàn diễn chưa chắc chuyển tải hết cái hay, cái tài của người viết. Trần Đăng Khoa đánh giá Cửa gió là tác phẩm đỉnh nhất của Nguyễn Xuân Đức.
Khi Xuân Đức viết tập 1 tiểu thuyết Cửa gió, Trần Đăng Khoa mang tới NXB Quân đội nhưng không được in, sau đó lại mang tới NXB Thanh niên. Cuốn sách về cuộc sống và chiến đấu của người Vĩnh Linh được ghi nhận với Giải thưởng của Hội Nhà văn. “Tuy thế, Cửa gió không đều tay, khoảng 200 trang đầu tập 1 rất ổn, tập 2 đuối dần. Đó cũng là bệnh chung của nhiều tiểu thuyết ở ta. Không riêng Xuân Đức, ngay Nguyễn Đình Thi cũng vậy, rồi Đất Trắng của Nguyễn Trọng Oánh cũng không tránh được sự không đều tay”, Trần Đăng Khoa nhận định.

Xuân Đức đắm đuối với nghề viết cho tới khi qua đời. Mới đây ông viết kịch bản về Đại tướng Võ Nguyên Giáp Nhiệm vụ hoàn thành, do Nhà hát Kịch nói Quân đội dàn dựng. Các vở diễn gần nhất từ kịch bản của Xuân Đức gồm: Người con gái sông Bồ do Nhà hát kịch Quân đội dàn dựng, Những đứa con thời loạn đang được Nhà hát ca kịch Huế dàn dựng. Được biết, ông còn viết dở một cuốn tiểu thuyết.

MỚI - NÓNG