Theo Ths.BS Lê Ngọc Diệp – Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Từ Dũ TPHCM, “đẻ rơi” là tình trạng đẻ không dự kiến trước mà xảy ra ngoài ý muốn, ở những nơi không phù hợp như: tại nơi làm việc, trên đường, trên tàu xe... Khi những cơn đau đẻ đã lên đến tột đỉnh mà không kịp đưa sản phụ đến bệnh viện hoặc đang trên đường đi đến bệnh viện. Đầu tiên bạn hãy thật bình tĩnh và phải nhớ đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho cả hai mẹ con.
Đầu tiên, cho sản phụ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, người nhà phải trấn an, bởi nếu sản phụ hốt hoàng, co quắp người thì việc sinh bé sẽ rất nguy hiểm.
Động viên người mẹ hít thở đều, lấy hơi thật sâu rồi rặn khỏe, dài hơi ra. Ngoài cơn co, khuyên sản phụ hít sâu, thở ra từ từ đều đặn.
Khi thấy đầu em bé, thì dùng tay đỡ ngay đầu, làm thao tác ngửa đầu dần lên để lộ mặt và đầu, rồi từ từ kéo thai xuống phía chân để đỡ vai trước và bảo sản phụ ngừng rặn, ngay sau đó vai và cơ thể bé sẽ ra theo.
Dùng khăn sạch lau người bé, rồi dùng tay vuốt nhẹ từ mũi xuống miệng để lưu thông không khí, nếu bé không thở thì vỗ nhẹ vào lòng bàn chân, hoặc thổi một ít không khí vào miệng. Nếu bé vẫn tím tái thì quan sát trong việc có đờm nhớt không, dùng khăn lau sạch trong miệng cho bé.
Dùng sợi dây sạch cột chặt dây rốn ở vị trí càng xa bụng bé càng tốt (cách bụng khoảng 15cm) và hãy để bác sỹ cắt dây rốn cho bé.
Nếu mẹ vẫn khỏe thì cho bé nằm úp lên người mẹ ở tư thế “da kề da”, ủ ấm cho bé bằng chiếc khăn lớn, choàng cho cả hai mẹ con. Lúc này mẹ có thể cho bé bú ngay sau sinh để kích thích nhau thai ra ngoài.
Còn về phần mẹ, BS Diệp cho biết, có trường hợp bé ra rồi nhưng có khi bánh nhau ra hoặc vẫn còn trong ổ bụng.
Nếu nhau ra luôn thì vẫn dùng sợi dây sạch để cột dây rốn cho trẻ, cách chân rốn khoảng 15cm. Còn nếu bánh nhau vẫn còn trong bụng mẹ thì cột 2 đầu. Mối đầu tiên cách chân rốn về phía bé 15cm, sau đó cách 10cm thì cột dây thứ hai, cắt ở giữa.
Với sản phụ, tầng sinh môn có thể rách hoặc không rách, trường hợp nếu bị rách, máu chảy nhiều thì dùng miếng vải sạch nhất có thể rồi chèn mạnh vào chỗ bị chảy máu.
Có những người bị chảy máu quá nhiều (băng huyết) thì nói mẹ hoặc người nhà lấy tay xoa bóp tích cực lên khối bụng của sản phụ (khối tử cung) để nó gò lại, bớt chảy máu. Dùng khăn giữ ấm cho mẹ.
“Quan trọng nhất trong các bước trên vẫn là giữ ấm cho con và tránh tình trạng mất máu nhiều cho mẹ. Chuyển ngay sản phụ và bé đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để các bác sỹ xử lý. Tại cơ sở điều trị, sản phụ sẽ được lấy nhau thai, theo dõi và xử lý chảy máu, nhiễm khuẩn, bé sẽ được làm rốn lại. Cả mẹ và bé sẽ được theo dõi thường xuyên đến khi sức khỏe ổn định” – BS Diệp chia sẻ.