Xử trách nhiệm cá nhân gây lãng phí

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa
TP - Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm công khai, giải trình khi để xảy ra lãng phí. Hình thức xử lý cao nhất đối với cá nhân gây ra lãng phí tài sản nhà nước là truy cứu trách nhiệm hình sự.

> Thu nhập 9 triệu đồng/tháng mới phải đóng thuế: Áp dụng từ 1-7-2013
> Những nơi dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí

Những nội dung này được quy định trong Dự thảo sửa đổi Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Luật THTK-CLP) đang được trình Chính phủ xem xét.

Xây dựng cơ chế giải trình, chịu trách nhiệm

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết: Năm 2012, Quốc hội yêu cầu sửa đổi Luật THTK-CLP để đồng bộ với việc sửa Luật Phòng chống tham nhũng.

Định hướng sửa đổi là tập trung hoàn thiện cơ chế, biện pháp, chế tài chống lãng phí, xử lý trách nhiệm cá nhân gây lãng phí. Đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm công khai, giải trình khi để xảy ra lãng phí.

Theo lộ trình, Chính phủ sẽ trình Dự thảo sửa đổi lên Quốc hội thông qua vào tháng 5-2013, dự kiến có hiệu lực thi hành từ 1-1-2014.

Thưa ông, sau 7 năm thực hiện Luật THTK-CLP, tình trạng lãng phí vẫn xảy ra phổ biến ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước… Phải chăng các quy định của luật chưa được thực thi?

Thực tế, các quy định của luật đã được tổ chức thực hiện khá nghiêm ngặt. Tuy nhiên, mới chỉ có kết quả tiết kiệm là rõ nét, còn chống lãng phí vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong đó, có việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là khu vực sử dụng nhiều tài sản, vốn của ngân sách nhà nước nhất, cũng là nơi xảy ra lãng phí nhất.

Nguyên nhân là do cơ chế, cách thức tổ chức thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, khâu giám sát có vấn đề, thậm chí bị buông lỏng, xử phạt còn nhẹ...

 Luật sửa đổi ngoài việc kế thừa sẽ nhấn mạnh cơ chế phát hiện và làm rõ hơn chế tài xử lý trách nhiệm. Cụ thể, cứ có bài báo, đơn thư phản ánh, tố cáo… đưa tin lãng phí thì tổ chức, cơ quan có liên quan phải kiểm tra làm rõ, xử lý ngay. Ngoài ra, còn bổ sung hình thức khen thưởng và khuyến khích cơ quan tổ chức khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân phát hiện thông tin lãng phí có giá trị, có biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin lãng phí”.  

Do đó, định hướng sửa đổi luật sẽ lấy chống lãng phí làm đầu, có cơ chế phát hiện và quy trách nhiệm cá nhân gây ra lãng phí. Quan điểm là “ở đâu có quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài nguyên, tài sản, vốn nhà nước, lao động trong khu vực nhà nước... thì ở đấy phải thực hiện tiết kiệm”. Ngay cả doanh nghiệp tư nhân sử dụng tài nguyên, vốn nhà nước cũng phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong đó, luật sửa đổi quy định cụ thể hệ thống định mức tiêu chuẩn, chế độ để làm căn cứ xác định lãng phí hay tiết kiệm, gắn liền với trách nhiệm giám sát thực hiện. Trách nhiệm công khai, giải trình nếu có lãng phí cũng được quy định cụ thể trong luật.

Có phản ánh là phải xử lý

Hàng trăm dự án đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước vẫn dở dang, nằm đắp chiếu, gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng vốn nhà nước. Nhưng việc xử lý trách nhiệm cá nhân, lãnh đạo các doanh nghiệp này và thu hồi tài sản thất thoát dường như là quá khó, thưa ông?

Bác Hồ đã nói: “Tội lãng phí còn lớn hơn cả tham ô”. Dù có xử lý trách nhiệm cá nhân thì tài sản bị lãng phí là mất đi, rất khó thu hồi. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiện hành tuy đã có quy định trách nhiệm cá nhân, chế tài xử phạt, thu hồi tài sản… Nhưng thực sự, việc phát hiện, chỉ ra lãng phí và xác định trách nhiệm cá nhân cụ thể là rất khó. Có khi lãng phí xảy ra lâu rồi nhưng cũng không ai biết hoặc biết nhưng không dám nói ra.

Theo luật hiện hành, các chế tài xử lý hành vi gây lãng phí bao gồm bồi thường thiệt hại, kỷ luật cá nhân, truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sửa đổi ngoài việc kế thừa sẽ nhấn mạnh cơ chế phát hiện và làm rõ hơn chế tài xử lý trách nhiệm.

Cụ thể, cứ có bài báo, đơn thư phản ánh, tố cáo… đưa tin lãng phí thì tổ chức, cơ quan có liên quan phải kiểm tra làm rõ, xử lý ngay. Nhờ đó, có thể ngăn chặn lãng phí sớm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, trình cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm và công khai thông tin.

Người gây ra lãng phí phải bồi thường thiệt hại và chịu mức kỷ luật. Nếu lãng phí nghiêm trọng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sửa đổi cũng có quy định cụ thể cho 4 cơ quan chức năng (kiểm toán, thanh tra, điều tra, cơ quan xét xử) để giám sát việc này.

Năm 2012 có 83 tập đoàn và tổng công ty nhà nước đăng ký tiết giảm chi phí với tổng số tiền hơn 12.400 tỷ đồng. Bộ Tài chính sẽ giám sát việc thực hiện tiết kiệm này ra sao, chế tài xử lý doanh nghiệp, cá nhân không thực hiện như thế nào?

Trách nhiệm thực hiện trước hết là của người đứng đầu doanh nghiệp. Luật sửa đổi lần này nhấn mạnh trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan quản lý trong việc tuân thủ pháp luật liên quan, xây dựng quy định, quy chế, định mức tiêu chuẩn tiết kiệm…

Đặc biệt, trong Chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí cụ thể, chỉ rõ những chỗ có nguy cơ lãng phí nhất để có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, không để lãng phí xảy ra.

Đối với khu vực doanh nghiệp, mức độ điều chỉnh thực hành tiết kiệm khác nhau theo nguyên tắc “cứng” về mặt pháp luật và “mềm” trong vận động, thuyết phục để họ chủ động thực hiện.

Với doanh nghiệp nhà nước, chỉ tiêu tiết kiệm đã đăng kí là cơ sở để chủ sở hữu xem xét, đánh giá xếp loại doanh nghiệp, đánh giá và khen thưởng - kỷ luật lãnh đạo doanh nghiệp. Các nội dung sửa đổi của luật đã nhận được nhiều sự ủng hộ. Vấn đề là có làm đúng, làm nghiêm hay không?

Xin cảm ơn ông.

Thu Hằng
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG