Xử phạt không đội mũ bảo hiểm cho trẻ: Thay đổi ý thức phụ huynh

Xử phạt không đội mũ bảo hiểm cho trẻ: Thay đổi ý thức phụ huynh
TP - Hôm nay (8/4), CSGT Hà Nội ra quân xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển xe máy chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm. Sau 10 ngày nhắc nhở, vận động, CSGT TPHCM cũng tuyên bố sẽ xử phạt nghiêm từ ngày 10/4.

> Ghi hình để phạt trẻ em không đội mũ bảo hiểm
> Xử nghiêm nếu trẻ em không đội mũ bảo hiểm

Xử phạt đi đôi tuyên truyền

Tuy nhiên, theo lực lượng CSGT, trong đợt cao điểm này, vấn đề chính đặt ra không phải để xử phạt. Quan trọng hơn là việc tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức của các bậc phụ huynh tự giác chấp hành quy định pháp luật và vì sự an toàn của trẻ.

Trao đổi với Tiền Phong, đại úy Trương Song Thành, Đội trưởng Tham mưu Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, trong tuần qua, lực lượng CSGT Hà Nội đã nhắc nhở hàng trăm trường hợp người điều khiển mô tô, xe máy, xe đạp điện chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên không đội mũ bảo hiểm (MBH).

Thực hiện kế hoạch của Ủy ban ATGT TP Hà Nội, bắt đầu từ tuần này, CSGT Hà Nội sẽ ra quân xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó tập trung tại 3 quận trọng điểm gồm Ba Đình, Đống Đa và Cầu Giấy.

“Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng đối với hành vi chở người ngồi trên xe máy không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật”.

Khoản 3, Điều 9, Nghị Định 34/2010/NĐ–CP

Cùng với việc xử phạt, Phòng CSGT cũng phối hợp với Sở GD&ĐT cùng các cơ quan chức năng tiếp tục mở các đợt tuyên truyền, tập trung vào các trường học, nhằm góp phần làm thay đổi ý thức của phụ huynh về nguy cơ chấn thương do tai nạn giao thông (TNGT) với trẻ em khi không đội MBH hoặc đội mũ kém chất lượng khi tham gia giao thông.

Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng Phòng CSGT Công an TPHCM cũng cho biết, từ 10/4 đến 15/5, lực lượng CSGT sẽ đồng loạt ra quân kiểm tra, xử phạt vi phạm ở các tuyến đường có trụ sở các trường tiểu học,THCS; trong đó trọng điểm là quận 9, quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn.

CSGT TP HCM cũng cho biết sẽ bố trí cán bộ, chiến sĩ “mật phục” ghi hình những trường hợp vi phạm ngay trước cổng trường để xử phạt bằng hình ảnh.

Vô tư đầu trần

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong những ngày cuối tuần qua tại Hà Nội và TPHCM, nhiều phụ huynh vẫn thờ ơ với việc đội MBH cho con mỗi khi đến trường hoặc đi chơi...

Chiều 5/4, tại một số trường tiểu học, THCS ở Hà Nội giờ tan học, có không ít phụ huynh đến đón con bằng xe máy không mang MBH cho con, thậm chí có người mang MBH nhưng chỉ... treo ở móc xe.

“Trước đây tôi cũng cho cháu đội MBH, nhưng được vài hôm cháu kêu nặng, không chịu đội, hơn nữa trường học cũng ngay gần nhà nên nghĩ không đội cũng chẳng sao” - chị Lê Thị Hà (ở quận Cầu Giấy, có con học lớp 2) nói với PV.

“Có nghe nói đến quy định xử phạt nhưng do con tôi học gần trường nên tôi không đội mũ cho cháu”- anh Hoàng Văn Hà (có con học trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, quận 3, TPHCM) nói.

Nhà ở đường Hai Bà Trưng, chỉ cách trường khoảng 500 mét, anh Hà nói: “Chạy 2 phút là tới trường nên không bắt con đội mũ. Với lại nơi đây chẳng thấy bóng công an nên không lo bị phạt”.

Còn chị Nguyễn Thị Bông, có con học ở trường Tiểu học Phù Đổng (quận Bình Thạnh, TPHCM) nói không đội MBH cho con chỉ vì “cháu không thích”. “Cháu rất khó chịu khi đội MBH nên dù biết dễ gặp nguy hiểm nhưng vợ chồng tôi không thể ép buộc cháu”- chị Bông nói.

Bước đầu thay đổi

Trái ngược lại, vẫn có nhiều phụ huynh tự giác đội MBH cho con em mình, thậm chí, nhiều cháu đi... xe đạp cũng đội MBH. Song theo quan sát của PV, tỷ lệ các cháu không đội MBH khi đi xe máy vẫn chiếm phần đông.

Anh Lê Văn Phúc có hai con học ở trường Tiểu học Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, từ khi các cháu bắt đầu đi học lớp 1, gia đình anh đã rèn cho các con thói quen đội MBH và tự giác lấy MBH khi đi xe máy cùng bố mẹ. “Không nặng nhẹ gì chiếc MBH, cho con đội MBH là nhằm bảo vệ sự an toàn cho các cháu” – anh Phúc nói.

Chị Ngọc (ở quận Đống Đa, có con học lớp 1 trường Thành Công A) kể, mấy năm trước vợ chồng chị đã mua MBH “xịn” cho cả nhà. Tuy nhiên, phần vì con còn học mẫu giáo, phần vì sau đó thấy nhiều cháu không đội mũ cũng... không sao, nên gia đình chị cất luôn mũ vào tủ.

Đầu năm học vừa qua, Nhà trường nhắc nhở phụ huynh đội mũ cho trẻ, chiếc MBH chị cất mấy năm mới có cơ hội sử dụng. Vừa nói, chị Ngọc vừa khoe chiếc MBH trẻ em chị mua từ mấy năm trước, còn nguyên tem ghi giá 235.000 đồng...

Cho biết vì sợ con gặp nguy hiểm nên từ lúc cháu học mầm non đến năm nay lên lớp 3 trường Tiểu học Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TPHCM), lúc nào anh Trần Lê Khánh cũng đội mũ cho con. “Lúc nào trong cốp xe cũng có mũ của tụi nhỏ. Đường sá Sài Gòn nguy hiểm lắm vì vậy không thể lơ là được”- anh Khánh nói.

Không khó nhận biết trẻ trên 6 tuổi

Trung tá Nguyễn Văn Đức, Đội trưởng Đội CSGT số 2 Công an Hà Nội (đơn vị phụ trách địa bàn quận Ba Đình) cho hay, để chuẩn bị cho đợt ra quân xử phạt hành vi không đội MBH cho trẻ em, những ngày qua, đơn vị đã bố trí lực lượng tại khu vực các cổng trường Tiểu học, THCS trên địa bàn vào giờ cao điểm (đầu giờ học và giờ tan học) để phân luồng giao thông, tránh ùn tắc và nhắc nhở các phụ huynh đội MBH cho con em khi tham gia giao thông.

CSGT Hà Nội nhắc nhở một trường hợp không đội MBH cho trẻ ngày 5/4
CSGT Hà Nội nhắc nhở một trường hợp không đội MBH cho trẻ ngày 5/4.

Theo kế hoạch, đúng 6 giờ sáng 8/4, CBCS Đội CSGT số 2 sẽ ra quân xử lý vi phạm MBH, tập trung tại các tuyến phố có nhiều trường học như Thụy Khuê, Phan Đình Phùng,… “Tuy nhiên, Ban chỉ huy đội quán triệt CBCS giữ thái độ điềm tĩnh, tránh gây bức xúc cho phụ huynh học sinh trong việc tiếp cận để xử lý. Dừng xe trong giờ cao điểm dễ làm muộn giờ học của các cháu, vì thế lực lượng làm nhiệm vụ chủ yếu vận động, khuyến khích người dân tự giác” – trung tá Đức nói.

Cũng theo trung tá Đức, không khó để nhận biết trẻ trên hay dưới 6 tuổi. “Thực tế cho thấy, trường hợp phụ huynh giấu tuổi con không nhiều, thường thì họ nói thật và xin bỏ qua vi phạm. Trong trường hợp nghi ngờ, CBCS làm nhiệm vụ cũng có thể hỏi trực tiếp các cháu học lớp mấy. Không cha mẹ nào lại dạy con trẻ nói dối cả”- ông Đức chia sẻ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.