Chủ tịch UBND TPHCM:

Xử nghiêm cán bộ nhũng nhiễu

Tình trạng ngập nước, gây khó khăn trong đi lại và làm đảo lộn đời sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân TPHCM Ảnh: PV
Tình trạng ngập nước, gây khó khăn trong đi lại và làm đảo lộn đời sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân TPHCM Ảnh: PV
TP - Ngày 8/12, kỳ họp thứ 23 HÐND TPHCM diễn ra phiên chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong với hàng loạt vấn đề nóng liên quan đến tội phạm, kẹt xe, ngập nước, hỗ trợ doanh nghiệp…

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm “truy”: Lãnh đạo TPHCM từng khẳng định, nếu xảy ra tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm thì sẽ làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Thực tế, vỉa hè ở nhiều nơi vẫn bị tái chiếm. Vậy đã có lãnh đạo quận, huyện nào bị xử lý vì vỉa hè bị lấn chiếm hay chưa?

Đại biểu Trâm cũng chỉ ra hàng loạt dự án chống ùn tắc giao thông chậm tiến độ, có dự án chậm đến 20 năm như cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) do vướng bồi thường giải tỏa, trong khi Chính phủ đã cho phép TPHCM có cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng.

Trả lời đại biểu Tố Trâm, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, đối với việc lấn chiếm vỉa hè, trong các đợt sơ kết, tổng kết, ông thường xuyên nhắc nhở lãnh đạo các quận, huyện, phường, xã phải hết sức quan tâm lập lại trật tự vỉa hè, lề đường. “Phải nhìn nhận là việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường đòi hỏi có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, chứ nếu chỉ riêng chính quyền tham gia thì… dọn dẹp tới đâu sẽ bị tái lấn chiếm tới đó”- ông Phong nói.

Đối với các công trình giao thông chậm tiến độ, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư và trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến một số dự án chậm trễ.

“Thời gian tới, TPHCM thực hiện các giải pháp: chỉ đạo sở, ngành đẩy nhanh tiến độ các công trình, tránh đội vốn do triển khai chậm; yêu cầu chủ đầu tư, lãnh đạo quận huyện ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án… Cùng với đó, TPHCM xây dựng tiêu chí đánh giá ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm, không đầu tư dàn trải”, ông Phong cam kết và cho biết, TPHCM sẽ tập trung đầu tư các dự án khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3, các dự án Metro, kết nối cảng Cát Lái…

Về phòng chống tội phạm, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong thừa nhận tình hình trật tự an toàn xã hội đang có nhiều chuyển biến phức tạp, đặc biệt là lợi dụng dịch bệnh, các loại tội phạm về ma túy, tín dụng đen, xâm phạm sở hữu gia tăng. Riêng về tội phạm ma túy, tang vật các vụ án cơ quan chức năng thu giữ ngày càng lớn. Có vụ lên tới hơn 1 tấn ma túy. Từ chỗ là địa bàn trung chuyển, TPHCM đã trở thành nơi sản xuất, tiêu thụ ma túy lớn.

“Dự báo năm 2021, tình hình trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trước tình hình đó, TPHCM củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo 138 các cấp, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cấp chính quyền, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; không để tình trạng thiếu trách nhiệm, bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm; không để hình thành các tụ điểm phức tạp về ma túy”, ông Phong cam kết.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết năm 2021, TPHCM xác định chủ đề là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. TPHCM sẽ nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu nơi nào có doanh nghiệp phản ánh còn phiền hà, thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm. TPHCM xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong giải quyết hồ sơ, có sự giám sát, có chế tài xử lý nghiêm nếu cán bộ gây chậm trễ, nhũng nhiễu…

Tại kỳ họp, HÐND TPHCM đã miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND TPHCM đối với hai ông Lê Thanh Liêm, Trần Vĩnh Tuyến. Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch HÐND TPHCM và ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

MỚI - NÓNG