Đứng trước tình trạng này, từ năm 1986 đến nay, Đảng đã có nhiều cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên kết quả đạt được chưa như mong muốn và tham nhũng, tiêu cực vẫn là nỗi bức xúc lớn nhất của người dân. Phải đến Đại hội 12 này, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng mới được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt. Đảng ta đã ban hành hàng loạt các nghị quyết nhằm chống suy thoái, tiêu cực, cũng như ngăn chặn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Các nghị quyết đó thể hiện rõ quan điểm vừa xây, vừa chống; xây là cơ bản nhưng chống là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.
Đặc biệt, trong việc xử lý các vi phạm, Đảng đã thể hiện rõ quyết tâm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Bất kỳ ai, dù ở cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước đều bị xử lý nghiêm minh. Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, Đảng đã kỷ luật gần 60 trường hợp diện Trung ương quản lý, trong đó có nhiều người bị cách chức, xử lý hình sự… Chính những việc làm đó đã dần lấy lại niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, để niềm tin đó được bền vững thì Đảng cần tiếp tục duy trì cuộc đấu tranh với sự quyết liệt cao hơn. Việc xây và chống cần thực hiện ở tất cả các cấp. Thời gian qua chúng ta đã làm quyết liệt ở Trung ương và cấp tỉnh nhưng ở cấp huyện, cấp xã thì vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng tham nhũng vặt, “ăn bẩn”, ở cấp cơ sở vẫn còn xảy ra nhiều, khiến người dân bức xúc. Do đó, “diệt hổ” thì cũng phải “diệt cả ruồi”. “Ruồi” hiện nay có rất nhiều như “thiên la địa võng”, khiến người dân bức xúc. Đảng phải đẩy mạnh chống tình trạng tiêu cực này, đồng thời thực hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về trách nhiệm nêu gương để tăng cường niềm tin của người dân đối với Đảng.
Ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Lấy lại niềm tin từ chống suy thoái, tiêu cực
Trong 89 năm qua, uy tín của Đảng đều phụ thuộc vào kết quả lãnh đạo của Đảng và vào sự phát triển của đất nước. Ví dụ như trước đây, với việc lãnh đạo làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống pháp, chống Mỹ… hay thắng lợi của công cuộc Đổi mới kinh tế, Đảng đã gây dựng và củng cố được niềm tin trong nhân dân.
Tuy nhiên, từ Đại hội X trở lại đây, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được về kinh tế, xã hội thì tình trạng suy thoái tiêu cực, tham ô, tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng diễn ra phức tạp. Đáng chú ý là trong số đó có cả những người là cán bộ cấp cao, diện Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị. Điều này gây ra nhiều bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Trước tình trạng đó, sau Đại hội 12, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng đã đẩy mạnh công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Kết quả, từ sau Đại hội 12 đến nay, Đảng đã xử lý kỷ luật 53.107 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 643 vụ/1.579 bị cáo về tham nhũng, kinh tế. Thực tế, không ai vui vẻ với những con số đó, nhưng điều đó nói lên quyết tâm siết chặt kỷ luật của Đảng, siết chặt pháp luật của nhà nước; kiên quyết xử lý không có ngoại lệ, không có vùng cấm…