Xử lý lộn xộn ở phố đi bộ thế nào?

Các chuyên gia cho rằng cần thêm nhiều không gian đi bộ để giảm tải cho khu vực Hồ Gươm. Ảnh: Bảo Hân.
Các chuyên gia cho rằng cần thêm nhiều không gian đi bộ để giảm tải cho khu vực Hồ Gươm. Ảnh: Bảo Hân.
TP - Không gian thư giãn ở phố đi bộ Hồ Gươm là điều những người thực hiện mong muốn, tuy nhiên thực tế còn có phần khiến nhiều người thấy phiền vì tình trạng lộn xộn, vi phạm tràn lan.

ÐỦ THỨ SỢ...

Thống kê có khoảng 5-7 nghìn du khách đổ về khu vực phố đi bộ Hồ Gươm cuối tuần vào ban ngày, tối có thể lên tới hai vạn. Con số khủng nhất do UBND quận Hoàn Kiếm ghi nhận là 20 vạn người. Mọi ngả đường đều đổ về Hồ Gươm, phố đi bộ vì thế rơi vào tình cảnh "thất thủ" thường xuyên hơn, không riêng mỗi dịp bắn pháo hoa đêm giao thừa như trước. Sau một loạt lùm xùm về biểu diễn nhạc không thông báo, kinh doanh loa kéo hát karaoke tự do gây phản cảm, khu phố đi bộ này vẫn ngột ngạt, lộn xộn.

Kinh doanh xe điện cho trẻ em là một trong số nỗi ám ảnh của du khách mong có những phút bách bộ thư giãn. Cả đoạn đường từ Hàng Khay, Hàng Bài và trong khuôn viên tượng đài Lý Thái Tổ không thiếu các hộ kinh doanh loại xe này. Người đi bộ cứ vài bước chân lại phải né những chiếc xe mô tô, ô tô đồ chơi chạy ào tới. Một nỗi kinh hoàng khác còn mang tên xe tự cân bằng. Lừ lừ tiến tới với vận tốc không nhỏ khiến nhiều người thót tim. Loại phương tiện vui chơi giải trí này đôi khi gây ra tai nạn đáng tiếc cho chính người chơi và người đi đường, nhất là trẻ nhỏ.

Chị Nguyễn Minh Ngọc (Hà Đông) dẫn hai cô gái lên chơi dịp tối thứ bảy ngao ngán: “Khu vực Hồ Gươm thuộc loại sạch đẹp nhất thủ đô, tuy nhiên phố đi bộ lại tạo ra thứ ô nhiễm khác, tới từ hàng chục nhóm biểu diễn đủ loại hình, từ nhạc cụ dân tộc, nhảy hiện đại, nhạc bolero ở Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay. Các nhóm này biểu diễn cách nhau không xa, âm thanh đánh nhau chan chát”.

Không quá phiền lòng về những âm thanh khá hỗn tạp ở phố đi bộ, nhưng anh Đoàn Văn Tuấn (Mỹ Đình) cho rằng nhà quản lý chưa quy hoạch tốt dịch vụ ăn uống. Một số máy bán hàng tự động phục vụ du khách có nhu cầu giải khát một cách tiện lợi và văn minh, tuy nhiên hộ bán hàng rong xuất hiện khắp nơi. Anh Nguyễn Ngọc Hoan (Trị An, Đồng Nai) kể về trải nghiệm “đau thương” khi lần đầu ra thủ đô mới đây. Chẳng là vợ chồng anh đi dạo bờ Hồ, thấy ghế đá dừng chân ngồi nghỉ, một bà bán hàng rong nhanh chóng tiến lại bảo chỗ này có chủ, muốn ngồi phải mua nước uống. Hai cốc nước sấu lèo tèo bị lấy giá trên trời-80 nghìn đồng, khi anh Hoan phản ứng và lấy máy ghi hình quay thì bị dọa nạt và đòi đập máy. Anh ngạc nhiên bởi ngay trung tâm thủ đô vẫn tồn tại dịch vụ hàng rong với lối hành xử tùy tiện này. Quy chế ban hành rồi, lực lượng kiểm tra giữ gìn trật tự do UBND quận Hoàn Kiếm chịu trách nhiệm nhưng dường như vi phạm ở khu vực này vẫn đâu vào đấy.

Xử lý lộn xộn ở phố đi bộ thế nào? ảnh 1

Dắt động vật không rọ mõm-một trong số điều lo ngại của người dân đến phố đi bộ. Ảnh: Bảo Hân.

Cần một không gian văn hóa

Trước câu hỏi liệu có sự buông lỏng quản lý, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm phân trần lượng khách đến phố đi bộ ngày càng tăng, cao nhất là mùa thu-đông và dịp Tết Nguyên đán. “Do khách tăng nên hoạt động liên quan đến trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường bắt đầu xuất hiện một số vấn đề như truyền thông phản ánh”, ông Long nói. Lãnh đạo quận cho biết, qua theo dõi không chỉ người dân ở quận bán hàng rong ở khu vực phố đi bộ, nhiều người dân nơi khác cũng đổ về với đủ thứ dịch vụ cho thuê xe điện, buôn bản nhỏ lẻ tự phát.

Chính quyền quận khẳng định không có chuyện buông lỏng quản lý, bởi hàng tuần quận đều họp rút kinh nghiệm, thậm chí lãnh đạo quận đi trực để kiểm soát vi phạm. Thực tế ngay từ đầu đưa ra đề án thí điểm phố đi bộ, quận Hoàn Kiếm có phương án quản lý các đối tượng tham gia. Cuối năm 2017 sau một loạt phát sinh ở phố đi bộ, Hà Nội ban hành nội quy nêu rõ những hành vi bị cấm, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và các hoạt động khác. Mới đây Ban quản lý Hồ Gươm xin thêm nhân lực. Sáu phường lân cận hồ gồm Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Trống, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Gai đều huy động nhân lực đi tuần, kịp thời xử lý vi phạm. Tuy nhiên lãnh đạo quận thừa nhận thực tế sau khi xử phạt, một số vi phạm bán hàng rong, về biểu diễn tự phát và xin tiền vẫn tái diễn.

Giải quyết tồn tại ở khu vực phố đi bộ như thế nào, nhiều chuyên gia cho rằng không chỉ nằm ở các giải pháp hành chính. KTS Đoàn Kỳ Thanh và Trần Huy Ánh thống nhất quan điểm cần mở thêm nhiều không gian đi bộ nữa ở các quận huyện khác. Không gian đi bộ Trịnh Công Sơn, phố bích họa Phùng Hưng mở ra, bắt đầu thu hút người dân tới vui chơi giải trí, tuy nhiên KTS Trần Huy Ánh cho rằng nếu không tổ chức tốt sẽ khó thu hút, giảm tải thực sự cho phố đi bộ Hồ Gươm. KTS Hoàng Thúc Hào, người từng có nhiều ý tưởng cải tạo không gian Hồ Gươm cho rằng phải tạo được các điểm hấp dẫn mới mẻ, không lặp lại. Theo KTS Nguyễn Việt Huy, người phụ trách khảo sát đập thông vòm cầu Phùng Hưng, điều quan trọng là phải thiết kế được không gian công cộng ở đô thị đặc thù như Hà Nội. 

Mở rộng không gian phố đi bộ

Ông Phạm Tuấn Long từng chia sẻ ấp ủ của quận Hoàn Kiếm về dự án không xa: mở rộng không gian đi bộ không chỉ bó hẹp quanh Hồ Gươm-tăng cường sự kết nối với khu vực phố cổ, Ðồng Xuân và khu vực Phùng Hưng sau này khi được chỉnh trang, cải tạo. Riêng không gian Hồ Gươm vốn chật hẹp, mang trong mình ý nghĩa đặc thù “không gian cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản góp phần bảo tồn và phát huy lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội”, nên càng cần sự thông thoáng, văn minh và đậm chất văn hóa hơn là một tụ điểm vui chơi giải trí thông thường.

MỚI - NÓNG