Xu hướng đáng lo ngại trong dân số Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Một bé trai ngồi trên cổ bố khi đi chơi ở quảng trường Thiên An Môn ngày 3/5. Ảnh: AP
Một bé trai ngồi trên cổ bố khi đi chơi ở quảng trường Thiên An Môn ngày 3/5. Ảnh: AP
TP - Kết quả điều tra dân số công bố ngày 11/5 cho thấy số người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc trong thập kỷ qua giảm xuống trong khi tổng dân số gần như không tăng. 

Thực tế này được nhận định là sẽ gây ra những thách thức đối với các lãnh đạo Trung Quốc trong nỗ lực xây dựng quốc gia thịnh vượng và có ảnh hưởng lớn hơn trên thế giới.

Theo kết quả điều tra nhân khẩu tiến hành 10 năm một lần, tổng dân số Trung Quốc đến cuối năm ngoái là 1,411 tỷ người, nhiều hơn 72 triệu so với năm 2010. Tốc độ tăng dân số gần bằng 0 vì ít cặp vợ chồng sinh con hơn.

Thực tế này sẽ tạo thêm thách thức cho các lãnh đạo Trung Quốc trong mục tiêu tạo nên xã hội khá giả hơn và gia tăng ảnh hưởng toàn cầu bằng cách phát triển các ngành công nghệ và tăng trưởng kinh tế tự duy trì dựa trên chi tiêu của người tiêu dùng.

Chính quyền Trung Quốc áp giới hạn sinh đẻ từ năm 1980 để kìm hãm gia tăng dân số, nhưng cũng gây ra lo ngại về tình trạng lực lượng lao động bị thu hẹp. Giới hạn sinh đẻ đã được nới lỏng, nhưng nhiều cặp vợ chồng không muốn đẻ thêm con vì chi phí cao, nhà ở chật chội và tình trạng phân biệt đối xử ở nơi làm việc đối với các bà mẹ.

Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, nhóm dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 - 59 tuổi) giảm từ 925 triệu năm 2011 xuống 894 triệu người vào cuối năm ngoái. Tỷ lệ trẻ em trong dân số tăng so với năm 2010, nhưng số người trong nhóm tuổi từ 60 trở lên tăng nhanh hơn.

Nói tại cuộc họp báo hôm qua, Giám đốc Tổng cục Thống kê Ning Jizhe cho biết, có 12 triệu em bé được sinh ra năm 2020, giảm 18% so với năm 2019.

Trung Quốc cùng một số nước châu Á khác như Thái Lan đang đối diện với tình trạng dân số già nhanh. Các nhà kinh tế học gọi đây là thách thức già trước khi giàu. Một số chuyên gia cảnh báo Trung Quốc đang đối mặt với “quả bom hẹn giờ về nhân khẩu học”.

Nguy cơ thiếu hụt lao động tham gia các hoạt động kinh tế và đóng thuế cho nhà nước xuất hiện trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo Trung Quốc đang tăng cường chi tiêu cho quân sự và nỗ lực xây dựng năng lực cạnh tranh toàn cầu trong ngành xe hơi điện và những công nghệ khác.

Mức độ nhạy cảm của vấn đề được thể hiện ở việc Tổng cục Thống kê có một hành động bất thường hồi tháng trước, khi thông báo dân số năm 2020 tăng nhưng không nói chi tiết. Thông tin này được cho là nỗ lực nhằm trấn an các công ty và nhà đầu tư sau khi báo Financial Times đưa tin rằng kết quả điều tra dân số có thể cho thấy tình trạng giảm tỷ lệ gia tăng dân số gây bất ngờ.

“Chúng tôi lo ngại về tình trạng giảm nhanh tỷ lệ dân trong độ tuổi lao động hơn là tổng dân số”, GS Lu Jiehua, một nhà nghiên cứu về dân số tại ĐH Bắc Kinh, nói với hãng tin AP.

Theo GS Lu, nhóm dân trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ giảm từ 3/4 dân số vào năm 2011 xuống chỉ còn một nửa vào năm 2050. “Nếu dân số quá già, sẽ không thể giải quyết vấn đề bằng chính sách nhập cư. Nó cần được giải quyết ngay ở giai đoạn đầu”, GS Lu nói.

Ấn Ðộ sắp vượt Trung Quốc về dân số

Tình trạng suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động “sẽ trở thành hạn chế đối với tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Đó là động lực mạnh mẽ để đưa ra những cải cách về năng suất lao động”, Yue Su, chuyên gia của hãng Economist Intelligence Unit viết trong một báo cáo.

“Chúng tôi lo ngại về tình trạng giảm nhanh tỷ lệ dân trong độ tuổi lao động hơn là tổng dân số”.

GS Lu Jiehua, nhà nghiên cứu về dân số tại ĐH Bắc Kinh

Năm 2015, giới chức Trung Quốc có một bước đi lớn khi nới lỏng hạn chế để cho phép nhiều cặp vợ chồng sinh con thứ hai. Tuy nhiên, cùng với xu hướng chung ở Hàn Quốc, Thái Lan và các nền kinh tế châu Á khác, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm trước khi chính sách 1 con được áp dụng, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Số liệu thống kê vừa công bố cho thấy, Trung Quốc có 105,7 đàn ông và bé trai trên mỗi 100 phụ nữ và bé gái, nghĩa là nam giới nhiều hơn 33 triệu. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, dân số Ấn Độ năm 2020 là 1,38 tỷ người, kém Trung Quốc 1,5%. Dân số Ấn Độ ước tính tăng 0,9% mỗi năm, dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2025 để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

MỚI - NÓNG