Xôn xao hình ảnh cây trầm hương được đưa vào phòng khám, chụp cắt lớp

0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh nhân viên y tế cùng một số người ở Hà Tĩnh đưa cây dó trầm vào máy chụp cắt lớp vi tính đang khiến nhiều người tò mò.

Mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh một phòng khám thực hiện chụp cắt lớp vi tính (CT) cho cây dó trầm (hay còn được gọi là cây dó bầu, trầm dó, trầm hương). Nội dung hình ảnh đăng tải thể hiện, nhân viên y tế cùng một số người khác cho thân cây dó trầm vào máy CT, kèm theo kết quả chụp.

Những hình ảnh này sau khi được đăng tải đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ sự bất ngờ và thắc mắc về lý do đằng sau.

Xôn xao hình ảnh cây trầm hương được đưa vào phòng khám, chụp cắt lớp ảnh 1

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho cây dó trầm đang gây "sốt" trên mạng xã hội (Ảnh: Quốc Khánh).

Theo tìm hiểu, việc chụp CT cho cây dó trầm có nguồn gốc từ xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), được một phòng khám tại thị trấn Hương Khê thực hiện theo mong muốn của vị khách từ Hà Nội.

Vị khách này đang thực hiện đề tài luận án tiến sĩ ở nước ngoài, đã liên hệ đến phòng khám, bày tỏ mong muốn như trên và được đồng ý.

"Chúng tôi chưa bao giờ thực hiện một yêu cầu như thế này, trước đến giờ, máy CT chỉ chụp cho người. Họ có mong muốn mình giúp để làm đề tài khoa học. Tất cả quá trình, họ có đội ngũ quay phim lại. Kết quả chụp sẽ cho thấy trong cây có nhiều hay ít trầm", đại diện phòng khám, nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị Hoàng Thu Hiền (33 tuổi, quê Hà Nội, làm việc tại Cộng hòa liên bang Đức), xác nhận mình đang thực hiện đề tài khoa học tiến sĩ liên quan đến cây dó trầm nêu trên.

Xôn xao hình ảnh cây trầm hương được đưa vào phòng khám, chụp cắt lớp ảnh 2

Thân cây dó trầm được đưa vào chụp CT (Ảnh: Quốc Khánh).

Dự án của chị Hiền có nhiều phần và hiện tại được tài trợ bởi quỹ nghệ thuật Liên bang Đức và một cơ quan văn hóa nghệ thuật của thành phố Hamburg...

"Đây là một dự án nghiên cứu khoa học, kết hợp nghệ thuật đa phương tiện về trầm hương có tên "Hương của trời", tên tiếng Anh "Scent from Heaven", chị Hiền nói.

Trong dự án này, chị Hiền muốn nói về sự hình thành của trầm hương trong cây, từ biến đổi chất đến sự thay đổi trong cây. Qua đó, cây trở thành một sản phẩm có giá trị cao mà con người ao ước.

Để thể hiện được điều đó, dự án kết hợp chụp khoa học (chụp CT), scan 3D, nghệ thuật trình diễn và phim thử nghiệm.

"Trong thời gian 9 năm sống và làm việc tại Đức, tôi nhận thấy các nước phương Tây sử dụng sản phẩm nước hoa từ trầm hương rất nhiều. Với họ, đây là một sản phẩm giá trị cao, biểu tượng của cao cấp, quý phái.

Tuy nhiên, ít người biết được trầm đến từ đâu. Trong dự án này, tôi muốn truyền tải những sự khởi đầu như cách trồng trọt, chăm sóc, hình thành trầm hương trong cây dó bầu, rồi cách bảo tồn trong thiên nhiên của người dân Việt Nam để khán giả phương Tây biết được", chị Hiền thuyết minh.

Xôn xao hình ảnh cây trầm hương được đưa vào phòng khám, chụp cắt lớp ảnh 3

Hình ảnh kết quả chụp CT từ thân cây dó trầm (Ảnh: Quốc Khánh).

Qua dự án này, chị Hiền cũng mong muốn giúp sản phẩm trầm hương do người dân đất nước mình làm ra sẽ được bạn bè trên thế giới biết tới, từ đó nâng cao giá trị kinh tế hơn nữa.

Phần đầu tiên của dự án sẽ được trình chiếu tại nhiều bảo tàng nhiếp ảnh ở châu Âu (Ai-len, Bỉ, Đức và Hungary) vào các năm 2023-2024.

Xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), 100% các hộ dân đều trồng cây dó trầm. Công đoạn chế tác lấy trầm cũng được thực hiện tại đây.

Người dân nơi đây cho biết, cây dó trầm hợp với thổ nhưỡng nên rất dễ trồng và cây phát triển tốt. Cây dó trầm phải trải qua một khoảng thời gian khá dài (10 năm trở lên) mới có thể khai thác.

Theo lãnh đạo xã Phúc Trạch, cây dó trầm là một trong những loại cây kinh tế chính của địa phương. Nhờ có loại cây này, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm đi rõ rệt.

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.