Xóa bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp xúc cử tri tại Bình Định ngày 26/11. Ảnh Trương Định
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp xúc cử tri tại Bình Định ngày 26/11. Ảnh Trương Định
TPO - Chính sách đối với nhà giáo cũng như lộ trình đào tạo giáo viên là những vấn đề nổi bật cử tri dành cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi ông thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tại Bình Định.

Ngày 26/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ - đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã có cuộc tiếp xúc cử tri thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây, Bộ trưởng đã trả lời nhiều vấn đề cử tri quan tâm liên quan đến giáo dục và đào tạo.

Xóa bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên? ảnh 1 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tiếp xúc cử tri tại Bình Định ngày 26/11. Ảnh Trương Định
Một trong những vấn đề được cử tri thị xã An Nhơn quan tâm là việc đào tạo nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, trong đó, cử tri là giáo viên mong muốn biết lộ trình thực hiện cụ thể và chế độ chính sách đối với giáo viên đào tạo nâng chuẩn. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, số giáo viên đạt chuẩn ở bậc mầm non trên cả nước hiện đạt khoảng 72%, như vậy còn 28% phải tiếp tục đào tạo nâng chuẩn. Căn cứ vào Nghị định 71 của Chính phủ, lộ trình nâng chuẩn giáo viên được triển khai đến năm 2030, chia thành 2 giai đoạn. Với lộ trình dài, việc thực hiện nâng chuẩn sẽ đảm bảo khả thi. Riêng giai đoạn 1, từ năm 2020-2025, dự kiến sẽ có khoảng 60% giáo viên mầm non được nâng chuẩn lên cao đẳng. Trong quá trình đào tạo bồi dưỡng nâng chuẩn, giáo viên sẽ được hưởng nguyên các chế độ về lương, phụ cấp. Tương tự đối với bậc tiểu học, trong thời gian đi học nâng chuẩn, giáo viên vẫn được hưởng nguyên các chế độ chính sách như đi dạy, điều này tạo điều kiện thuận lợi và yên tâm cho giáo viên. “Với lộ trình đặt ra, chúng ta có đủ thời gian, đảm bảo khả thi để thực hiện nâng chuẩn giáo viên theo quy định của Luật”, Bộ trưởng nói. Cử tri cũng bày tỏ với Bộ trưởng về thời gian làm việc luôn vượt quy định của giáo viên mầm non nhưng chưa được hưởng chế độ dạy vượt giờ. Chia sẻ với những khó khăn, áp lực của giáo viên mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, trước mắt chính quyền địa phương cần tính toán để chi trả thời gian dạy vượt giờ cho giáo viên. Nhưng về lâu dài, phải bố trí đủ giáo viên mầm non theo định mức quy đinh, có như vậy mới giảm được quá tải và áp lực cho giáo viên. Trước mong mỏi của cử tri về việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ cho giáo viên và chứng chỉ ngoại ngữ 2 đối với giáo viên dạy tiếng Anh, Bộ trưởng thông tin, thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất, sẽ xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Dự kiến, tháng 12/2020 sẽ ban hành quy định cụ thể về vấn đề này. Bộ trưởng cho hay, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bổi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau rồi, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực. Những nội dung về ngoại ngữ, tin học tới đây sẽ được tính toán để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên một cách phù hợp. Nhân dịp về tiếp xúc cử tri tại tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm, tặng quà, động viên học sinh Trường Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Bình Định, trao tặng 30 chiếc xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Tây Sơn. Bộ trưởng cũng dự và chứng kiến lễ tiếp nhận 1 tỷ đồng và nhiều sách vở, đồ dùng học tập của ngành Giáo dục Thái Bình hỗ trợ ngành Giáo dục Bình Định vượt qua thiên tai. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ GDĐT về chung tay giúp đỡ các tỉnh bị ảnh hưởng mưa lũ.
MỚI - NÓNG