Anh Khởi 42 tuổi, làm việc trong ngành xây dựng. Chị Nguyệt là kế toán trưởng của một công ty. Vợ chồng anh có hai con, hòa thuận, mái ấm nhỏ xinh ở khu chung cư Victoria phường Phú La, Q Hà Đông, Hà Nội. Cuộc sống cứ thế hạnh phúc trôi đi, cho đến một ngày...
Nhật ký của mẹ
Tối 21/2/2018, con bỗng đau chân dữ dội. Cả đêm con đau đến nỗi không thể ngủ được phút nào. Hôm sau chồng mình đưa con đi khám, hãi hùng biết con bị mắc bệnh bạch cầu cấp, dòng Lympho thể L2. Tất cả mọi thứ như quay cuồng, sụp đổ. Ai ngờ được căn bệnh quái ác này lại xảy đến với con gái của mình, một đứa trẻ khỏe mạnh, hiếu động, vui tươi.
Con vào Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. “Cái con virus vô duyên nào đó đang làm con mệt mỏi, đau chân, đau bụng, làm con chảy máu rồi làm cho tóc con rụng không còn sợi nào”- Nghe con thỏ thẻ, bố mẹ không cầm được nước mắt. Những ngày đầu nằm viện con sợ lắm, sợ bị tiêm, sợ bị lấy máu, sợ bị chọc tủy nên mỗi lần nhìn thấy bóng dáng các cô y tá hay bác sĩ, con lại trùm chăn kín mít để trốn. Đã bao lần con vùng vẫy, khóc lóc, đòi về nhà… Nhưng rồi con cũng phải dần quen với việc xa dần sách vở, bạn bè, trường lớp. Sau 3 tháng tình hình không khả quan, tế bào ác nhiễm vào phổi khiến con bị thêm bệnh nấm phổi, thể trạng suy kiệt.
Bác sĩ nói bệnh Nguyệt Vy thuộc dạng tiên lượng rất xấu, không đáp ứng với hóa trị, truyền hóa chất tối đa đến lần thứ 4 thì cơ thể sẽ không tiếp nhận được nữa. Cách duy nhất có thể cứu con, là phải đưa con sang nước ngoài điều trị và ghép tủy.
Trước đây tổ ấm nhà mình lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Từ ngày con lâm trọng bệnh, cuộc sống của cả gia đình hoàn toàn đảo lộn. Thu nhập giảm sút, kinh tế kiệt quệ. Anh trai Vy mới học lớp 4 phải sống nhờ nhà nội, buồn tủi vì không được bố mẹ quan tâm như trước. Trước đây không bao giờ mình nghĩ ra sẽ có ngày, vợ chồng mình phải cầu xin tình thương của tha nhân...
Cùng con chiến đấu với tử thần
Sau khi các bệnh viện hàng đầu trong nước đều bó tay trước bệnh trạng bé Vy, vợ chồng chị Nguyệt đã liên hệ được với giáo sư Chul Soo Kim - người từng ghép tủy thành công cho 2 bệnh nhân Việt Nam. Căn hộ duy nhất của tổ ấm rộng 97m2, vợ chồng chị rao giá khoảng 1,7 đến 1,8 tỷ đồng. Chiếc ô tô 4 chỗ hiệu Huyndai đã bán 340 triệu. Vay mượn thêm bạn bè, họ hàng nội ngoại, vượt qua nỗi sợ bất đồng ngôn ngữ, anh chị đặt vé máy bay đưa con sang Hàn Quốc.
Đến Seoul, bé Vy được nhập viện Incheon Medical Center - nơi giáo sư Chul Soo Kim làm viện trưởng. Khi xét nghiệm cho ra kết quả rụng rời là tỉ lệ tế bào ác tính trong tủy bé sinh sôi tới hơn 50% , giáo sư phải chuyển bé sang bệnh viện Đại học Inha, là nơi trước đây ông đã chữa lành bệnh ung thư máu cho 2 bệnh nhân Việt, rồi lại chuyển tiếp Vy sang bệnh viện Samsung Medical Center tìm hướng điều trị mới. Đây là bệnh viện hàng đầu tại Hàn Quốc về chữa trị ung thư nhưng chi phí cực kỳ đắt đỏ. Khởi-Nguyệt choáng váng khi nghe người phiên dịch thông báo tổng số tiền phải có, là khoảng 7,6 tỷ đồng.
Nhìn con đau đớn khôn cùng vẫn phải gắng gượng chiến đấu với bệnh tật, vợ chồng Nguyệt không thể nào buông tay con. Điều an ủi, là bé Vy dần thích ứng với phác đồ điều trị. “Đến các bác sĩ cũng phải ngạc nhiên trước sức chống chọi và thể trạng rất tốt của con. Có đợt truyền hóa chất cực mạnh, bác sĩ thông báo trước rằng con sẽ rất mệt và đau. Con đã cáu gắt, mệt nhọc, nôn mửa, không muốn ăn gì với nhiều mảng da bị cháy sém do hóa chất. Nhưng chỉ 3 ngày sau, con hồi phục và tươi tỉnh trở lại. Một tin vui nữa lại đến. Bác sĩ vừa thông báo đã tìm được tủy phù hợp, có thể thực hiện ca phẫu thuật ghép tủy cho con vào tháng 11/2018. Vấn đề quan trọng lúc này, là phải có tiền nộp viện phí. Rất may có người Hàn Quốc tốt bụng hay đi làm từ thiện ở nhà thờ cho chúng em ở nhờ” - Chị Nguyệt nghẹn ngào kể.
Đầu tháng 9/2018, nhận được lời khẩn cầu cứu giúp từ vợ chồng chị Nguyệt, phóng viên báo Tiền Phong tìm hiểu các chi phí phải đóng gồm những khoản gì. Bảng báo viện phí của bệnh viện Samsung Medical Center, đổi từ tiền Won sang tiền Việt cho thấy: Hóa trị 450 triệu đồng; Xét nghiệm HLA 170 triệu; Kiểm tra mẫu cuống rốn 170 triệu; Thu thập tế bào gốc 320 triệu; Tìm kiếm tế bào gốc 1,3 tỉ; Cấy ghép 3,2 tỉ; Hóa trị sau ghép tủy và theo dõi 640 triệu v.v... Đó là chưa bao gồm tiền phòng, ăn uống, lưu trú, vé máy bay; điều trị tại 2 bệnh viện trước đó hết khoảng 380 triệu, và 80 triệu đồng điều trị trong nước ...
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Giáo sư Yoo, người trực tiếp trị bệnh cho bé Vy tại bệnh viện Samsung cho biết: Nếu có đủ kinh phí để ghép tủy, thì tỉ lệ thành công của ca ghép này khoảng 70%. Vừa động viên vợ chồng Khởi - Nguyệt, GS Chul Soo Kim vừa nỗ lực vận động các Quỹ từ thiện, rồi lập hẳn một trang web kêu gọi giúp đỡ bé Vy. Tuy nhiên việc quyên góp cho bệnh nhân nước ngoài tại Hàn Quốc rất khó khăn. GS Kim email cho chị Nguyệt, giải thích do trước đây đã có nhiều bệnh nhân ngoại quốc sang Hàn điều trị rồi biến mất, không trả viện phí. Ông gợi ý chị Nguyệt nên cố gắng vận động quyên góp giúp cháu tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Hùng Phúc- Giám đốc công ty cổ phần Xây lắp nơi chị Nguyệt là Kế toán trưởng cho biết: Cảm thương và nể phục nỗ lực cứu con phi thường của vợ chồng chị Nguyệt, Công ty đã vận động cán bộ nhân viên quyên góp giúp đỡ, cho chị ứng lương nhiều tháng, đồng ý cho chị tiếp tục làm việc bán thời gian qua mạng để tiện chăm sóc con.
Tiến sĩ Nguyễn Kim L., người có con trai từng được GS Chul Soo Kim ghép tủy thành công, chữa dứt bệnh ung thư máu 14 năm trước kể cho tôi nghe việc ông bắc cầu kết nối giữa cha mẹ cháu Vy với Gs Kim. Từng chạy khắp các cửa tìm đường cứu con, ông biết vài bệnh viện tại Việt Nam đã thực hiện được ghép tủy, nhưng tỉ lệ thành công chưa cao. Về giá cả kèm chất lượng y tế, thì Hàn Quốc vẫn dễ chịu hơn nhiều nước khác. Nay con trai ông đã là sinh viên năm cuối đại học FPT. Nhìn con cao lớn khỏe mạnh, ông không quên ơn những chuyên gia giỏi đã tận tâm cứu con mình, mong bé Vy cũng sẽ có một tương lai tươi sáng như vậy.
Chị Đoàn H.Y., người Việt gốc Hàn có con từng được ghép nguồn máu cuống rốn phù hợp tới 90% do bệnh viện Samsung tìm được từ Việt Nam, chia sẻ: Con chị mang quốc tịch Hàn nên được hưởng chính sách hỗ trợ mà nhà nước dành cho bệnh nhân ung thư máu. Hồi đó chị chỉ phải thanh toán viện phí hơn 20 triệu Won, tương đương hơn 400 triệu đồng. Cho đến nay, đã 8 năm cháu khỏe mạnh sau ghép tủy, chị vẫn chưa thôi ám ảnh cảnh con thoi thóp bên giường bệnh.
“Mẹ sợ một ngày nào đó thức dậy mà không có con bên cạnh”- Status cầu cứu của chị Nguyệt đăng trên facebook đã nhanh chóng lan tỏa, được nhiều nhóm thiện nguyện lao vào giúp đỡ, nhiều cá nhân chuyển tiền ủng hộ. Cho tới cuối ngày 12/10/2018, qua kênh messenger trò chuyện hàng đêm với tác giả bài viết này, chị Nguyệt cho biết cho tới nay vợ chồng chị đã nhận được tổng cộng 830 triệu đồng chuyển khoản.
Anh Khởi chồng chị nhờ báo Tiền Phong chuyển lời đến các nhà hảo tâm: “Ân tình này lớn quá. Vợ chồng em cả đời biết ơn. Nhưng số tiền viện phí phải đóng hàng tuần quá nhiều, xin đồng bào tiếp tục chung tay cứu giúp!”. Tài khoản nhận giúp đỡ bé Vy là Nguyễn Thị Nguyệt, 19022.1220.54017, ngân hàng Techcombank chi nhánh Thăng Long, Hà Nội.
GS Kim đã nỗ lực kêu gọi cộng đồng quyên góp cứu bé Vy