Xét xử vụ án 18 lần vỡ đường ống nước Sông Đà

Công nhân khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sạch Sông Đà. Ảnh Thanh Hà.
Công nhân khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sạch Sông Đà. Ảnh Thanh Hà.
TPO - Các bị cáo đã không tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư nên đã sản xuất, tiếp nhận và lắp đặt ống dẫn nước không đạt tiêu chuẩn từ đó xảy ra sự cố, ảnh hưởng tới 177.000 hộ dân…  

Ngày 5/3, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm nhóm bị cáo trong vụ án 18 lần vỡ đường ống nước sạch Sông Đà. Trong đó, Hoàng Thế Trung (SN 1960) - nguyên Giám đốc BQL Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà (BQLDA) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Cùng tội danh, có 8 bị cáo khác phải hầu tòa gồm Nguyễn Văn Khải, Trương Trần Hiển - từng giữ chức Phó GĐ và Trưởng phòng Vật tư BQLDA; Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải - nguyên GĐ và Phó GĐ Cty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex; Đỗ Đình Trì - nguyên Trưởng đoàn Tư vấn giám sát Cty CP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase); Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân - cán bộ của Viwase.

Xét xử vụ án 18 lần vỡ đường ống nước Sông Đà ảnh 1

Các bị cáo tại tòa.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội, do Tổng Cty Vinaconex làm chủ đầu tư, xây dựng từ 2004 đến 2009. Trong đó, hệ thống ống truyền tải dài 46km, được làm từ bê tông và ống gang dẻo.

Quá trình khai thác, từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2016, tuyến ống của hệ thống cấp nước Sông Đà đã bị vỡ 18 lần với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị hư hỏng.

Việc vỡ ống nước khiến đơn vị khai thác phải chi hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả; làm 177.000 hộ dân bị mất nước sinh hoạt trong 386 giờ với lưu lượng nước bị ngừng trệ hơn 1,7 triệu m3...

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân chủ yếu khiến vỡ ống do ống được sản xuất không đồng đều (có nhiều tật, rỗ, thiếu cát nhựa); nếu ống được sản xuất đúng thiết kế sẽ không thể xảy ra sự cố.

Qua điều tra, công an xác định các bị can nói trên đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình dẫn tới việc sản xuất, tiếp nhận, lắp đặt và nghiệm thu các sản phẩm ống không đạt chất lượng.

Trong vụ án, phía nguyên đơn dân sự là Vinaconex đã có nhiều văn bản nhất trí không yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan phải bồi thường kinh phí khắc phục, sửa chữa các tuyến đường ống.  

Ngoài ra, công an từng khởi tố bị can về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” với các thành viên HĐQT Vinaconex giai đoạn 2003 – 2004 gồm các ông Phí Thái Bình – nguyên Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Văn Tuân – TGĐ kiêm ủy viên HĐQT; Hoàng Hợp Thương, Tô Ngọc Thành; Vũ Đình Chầm – cùng nguyên ủy viên HĐQT.

Tuy nhiên, ngày 14/12/2017, VKSND Tối cao đã đã quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can nói trên vì cho rằng hành vi của các thành viên trong HĐQT Vinaconex không đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 10 ngày.

MỚI - NÓNG