Xét xử ông Đinh La Thăng: Đề nghị làm rõ 20 tỷ đồng 'đối ngoại'

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên TGĐ OJB sau giữ chức Phó TGĐ PVN.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên TGĐ OJB sau giữ chức Phó TGĐ PVN.
TPO - Sáng 23/3, luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn cho rằng lời khai của bị cáo Ninh Văn Quỳnh về khoản chi đối ngoại cho nhân viên chưa được làm rõ, đó là chi đối nội không phải đối ngoại.

Ngày 23/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng tiền vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Ngân hàng TMCP Đại Dương – OceanBank (OJB).

Trước đó, người giữ quyền công tố tại tòa khẳng định, từ năm 2008 – 2011, bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN cùng 6 đồng phạm đã góp 800 tỷ đồng của PVN vào OJB.

Việc này vi phạm quy chế làm việc của PVN, luật các tổ chức tín dụng dẫn đến việc PVN mất toàn bộ 800 tỷ đồng khi OJB thua lỗ, bị mua lại 0 đồng. Vì vậy, VKSND Tối cao truy tố các bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Ngoài ra, khi PVN góp 20% vào OJB, Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó TGĐ PVN được cử làm TGĐ OJB. Ông Sơn đề nghị và được Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OJB đồng ý chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi, giao việc này cho ông Sơn. Vì vậy, từ 2009 – 2013, Ninh Văn Quỳnh đã nhận từ ông Sơn 20 tỷ đồng để giúp đỡ, tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo PVN gửi tiền vào OJB.

Tại tòa, bị cáo Ninh Văn Quỳnh khai đã dùng tiền mua nhà, cho con đi du học…, hiện đã khắc phục toàn bộ. Hành vi này của ông Quỳnh bị xác định phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản”.

Từ đó, kiểm sát viên đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng từ 18 – 19 năm tù; Vũ Khánh Trường 7 – 8 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn từ 30 – 36 tháng tù; Nguyễn Xuân Thắng từ 24 – 30 tháng tù; Nguyễn Thanh Liên từ 24 – 30 tháng cải tạo không giam giữ; Phan Đình Đức từ 24 – 30 tháng cải tạo không giam giữ cùng về tội “Cố ý làm trái…”.

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh được đề nghị nhận từ 7 – 8 năm tù về tội “Cố ý làm trái…”, 17 – 18 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, tổng hình phạt từ 24 – 26 năm tù.

Được tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn gửi lời cảm ơn đến HĐXX và các cơ quan tố tụng đã tạo điều kiện xây dựng một phiên tòa cởi mở; bị cáo và các luật sư có quyền bào chữa dân chủ, cởi mở.

Ông Sơn cũng khẳng định đã khai báo thành khẩn với cơ quan điều tra, nhận thức lúc đó là bị cáo tích cực làm các công việc được giao, không nghĩ việc làm của mình vi phạm pháp luật; ông không nắm được các văn bản quy phạm pháp luật nên dẫn tới sai phạm trong việc đầu tư tiền của PVN vào OJB.

Liên quan hành vi chiếm đoạt tài sản của Ninh Văn Quỳnh, ông Sơn nói: “Bị cáo rất đồng tình với kiến nghị của đại diện VKSND đề nghị tiếp tục xem xét làm rõ khoản tiền đưa cho anh Quỳnh và lời khai của bị cáo trước tòa… xác minh đúng sự thật, để tấm lòng của bản thân bị cáo cũng như những người có liên quan được thanh thản”.

Tiếp đến, luật sư Phạm Công Hùng bào chữa cho thân chủ cũng cám ơn HĐXX đã ghi nhận tư cách tố tụng của ông Nguyễn Xuân Sơn là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” trong cáo buộc ông Ninh Văn Quỳnh lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Luật sư cũng phân tích lời khai của bị cáo Ninh Văn Quỳnh về việc sử dụng số tiền 20 tỷ đồng chiếm đoạt, đã sử dụng mở sổ tiết kiệm với tổng số tiền 9,5 tỷ đồng; mua căn hộ tại TP. HCM trị giá hơn 3 tỷ đồng; chi khoảng 4,5 tỷ đồng cho hai con trai du học tại Anh và Mỹ, chi đối ngoại cho nhân viên...

Luật sư cho rằng bị cáo Quỳnh chưa giải trình chi tiết "khoản chi đối ngoại”, chỉ nói cho các nhân viên cấp dưới khi đi công tác. Lời giải thích này không phù hợp với lời khai của nhân chứng Hà Văn Thắm và bị cáo Sơn, cũng không phù hợp với suy đoán thông thường của mọi người. “Đó là chi đối nội chứ không phải đối ngoại” - luật sư Hùng nói.

Luật sư dẫn lời khai của bị cáo Quỳnh tại cơ quan điều tra: “Từ tháng 12/2010 đến 12/2013, cứ khoảng 2 - 3 tháng, anh Sơn đưa tiền cho tôi một lần, mệnh giá là 500 nghìn đồng, số tiền 500 triệu đồng nhưng bối cảnh khác giai đoạn trước do bị cáo Sơn không còn làm TGĐ OJB nữa mà là Phó TGĐ PVN, là cấp trên”.

Ông Hùng phân tích: “Cơ quan điều tra đã không làm rõ nội dung bản chất của chứng cứ này. Vì sao là cấp trên mà bị cáo Sơn vẫn nhận tiền chăm sóc khách hàng từ Hà Văn Thắm để đưa cho cấp dưới của mình là bị cáo Quỳnh? Trong xã hội và thực tiễn, chỉ có cấp dưới chăm sóc cấp trên mà thôi, rất ít khi xuất hiện trường hợp cấp trên chăm sóc cấp dưới một cách tận tình, bằng cách đưa tiền cho cấp dưới một số tiền rất lớn như vậy”.

Vị luật sư cũng cho rằng: “Bị cáo Quỳnh khai, khi anh Sơn đưa tiền cho tôi, tôi hiểu đó là tiền của OJB… CQĐT chưa làm rõ được bản chất chứng cứ theo hướng, vì sao bị cáo Quỳnh nhận tiền của bị cáo Sơn nhiều lần, trong nhiều năm, mà trong ý chí của bị cáo Quỳnh lại luôn nghĩ và hiểu rằng tiền bị cáo Sơn đưa là của OJB chứ không phải của bị cáo Sơn?”.

Cuối cùng, luật sư Phạm Công Hùng nêu lại lời khai của ông Quỳnh thể hiện: “Do Sơn đưa cho tôi 120 tỷ, sau lại khai đưa gần 300 tỉ, tôi sợ trách nhiệm vì số tiền quá lớn nên tôi không nhận, sau khi được cán bộ điều tra giải thích, tôi xin khai báo thành khẩn để nhận khoan hồng”.

Luật sư Hùng đề nghị áp dụng tình tiết “khai báo thành khẩn” cho bị cáo Sơn vì đã khai việc đưa tiền cho Ninh Văn Quỳnh.

MỚI - NÓNG