Xét xử người tố cáo Phó chánh án “vòi tiền” chạy án: VKS đề nghị mức án nặng bất thường

Bà Hoa bị cơ quan chức năng áp giải về trụ sở sau khi nhận tiền chạy án. Ảnh: PL.XH
Bà Hoa bị cơ quan chức năng áp giải về trụ sở sau khi nhận tiền chạy án. Ảnh: PL.XH
TP - Sáng ngày 28/2, TAND huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) mở phiên tòa xét xử bị cáo Nông Văn Thụt, người gây tai nạn giao thông khiến 1 người tử vong. Ông Thụt chính là người đã tố cáo bà Trương Thị Hoa nguyên Thẩm phán, Phó chánh án TAND huyện Ea Kar vòi hối lộ, khiến bà Hoa bị khởi tố.

Cáo trạng phải... phiên dịch     

Theo cáo trạng của VKSND huyện Ea Kar, lúc 6 giờ 10 phút ngày 30/6/2016, bị cáo Nông Văn Thụt (SN 1969 – trú tại thôn 12, xã Cư Yang, huyện Ea Kar) điều khiển xe ô tô lưu thông đi ngược chiều trên đường liên thôn, nên đã va chạm với bà Trần Thị Giới (SN 1959), khiến bà này tử vong. 

Sau khi gây hậu quả nghiêm trọng, ông Thụt đã vay tiền khắp nơi để có 110 triệu đồng lo chi phí cho gia đình nạn nhân và được làm đơn bãi nại. Tại phiên xử, gia đình bị hại vắng mặt. Do ông Thụt là người dân tộc thiểu số, học vấn chỉ tới lớp 4/12 nên Đảng uỷ xã Cư Yang đã cử cán bộ đến phiên dịch.

Tại toà, ông Thụt nói chưa hề được nhận cáo trạng nên không biết nội dung trong đó nói những gì. Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) đề nghị HĐXX cho bị cáo có thời gian đọc cáo trạng mới xử, nhưng không được đồng ý. 

Sau khi đại diện VKSND huyện Ea Kar đọc xong cáo trạng, có người phải phiên dịch cáo trạng sang tiếng Nùng cho ông Thụt hiểu. Các luật sư đề nghị đưa nhân chứng là anh Nông Văn Trung (SN 1981, cháu của ông Thụt) vào để tham gia tố tụng với tư cách người chứng kiến đầu tiên của vụ việc, nhưng không được HĐXX đồng ý.

Cáo trạng đầy mâu thuẫn

Các luật sư cho rằng, tại biên bản lấy lời khai của bị can chưa có người phiên dịch tiếng Nùng ký xác nhận vào biên bản. Nội dung cáo trạng ghi các dấu vết nhưng không thể hiện rõ các dấu vết này có phải do tai nạn giao thông hay không? Cáo trạng không hề có giám định khoa học để chứng minh, mà chỉ suy đoán về hiện trường theo cơ quan điều tra - Luật sư Cao Thế Luận (đoàn luật sư Bạc Liêu) nhận xét.

Luật sư Phạm Công Út đưa ra giả thuyết có thể bà Giới do chở giỏ  trứng quàng trên tay lái xe đạp, rồi tự mình va chạm vào xe ô tô, chứ không phải ông Thụt lấn đường dẫn đến vụ tai nạn thương tâm. Ghi nhận từ hiện trường cho thấy, bà Giới đi xe đạp, chở một giỏ nhiều trứng. 

“Đây có thể là nguyên nhân khiến bà Giới di chuyển xe mất thăng bằng, đi loạng quạng rồi tự ngã. Tại hiện trường, cơ quan điều tra không chứng minh được yếu tố này, cũng chưa điều tra làm rõ trách nhiệm về việc quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn của UBND cấp xã, vì đường xấu cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” - luật sư Út nói.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng hồ sơ vụ án có nhiều mâu thuẫn. Nơi ô tô va chạm với nạn nhân là vị trí cuối đoạn đường hư hỏng, nên chưa . thể kết luận xe bị cáo tông vào nạn nhân. 

Biên bản hiện trường thể hiện nạn nhân đi sai phần đường khi tham gia giao thông, không đội nón bảo hiểm, chở vật cồng kềnh trên mặt đường hư hỏng dẫn tới va chạm. Các cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ được vị trí tông giữa xe hay nạn nhân tự té vào xe.

Đại diện VKSND huyện Ea Kar nhận xét bị cáo là người có nhân thân tốt, có khắc phục hậu quả nghiêm trọng… nhưng vẫn đề nghị mức án từ 15 đến 18 tháng tù giam. Sau những tranh luận gay gắt của các luật sư, HĐXX tuyên bố phiên tòa kéo dài tới ngày 2/3/2017 mới tuyên án.

MỚI - NÓNG